Mình mẹ hai vai gánh vác tất cả

Dân tộc ta thờ mẹ Âu Cơ - người mẹ sinh ra một trăm trứng diệu kỳ, nở ra trăm con khỏe mạnh, chia đôi ra nửa lên nguồn, nửa xuống biển làm nên dân tộc Việt.

Triết học phương Đông luôn ca ngợi nguyên lý Huyền tẫn. Đạo giáo cho rằng huyền là dương, ở trên, quẻ Càn; tẫn là âm, ở dưới, quẻ Khôn. Có câu viết: “Huyền tẫn là gốc rễ của trời đất”. Huyền kết hợp với tẫn sinh ra mầm sống, đời sống, cuộc sống. Tôn thờ Huyền tẫn có nghĩa là tôn thờ nguyên lý mẹ - mọi vật trên đời được sinh ra từ giống cái.
Niềm tin tâm linh của các dân tộc phương Đông thường được thể hiện qua việc tôn thờ nguyên lý mẹ này. Dân tộc ta thờ mẹ Âu Cơ - người mẹ sinh ra một trăm trứng diệu kỳ, nở ra trăm con khỏe mạnh, chia đôi ra nửa lên nguồn, nửa xuống biển làm nên dân tộc Việt. Ngoài mẹ Âu Cơ, dân cư từng nơi còn thờ lạy những bà mẹ khác: người Quảng Nam thờ lạy Mẹ Xứ sở Thu Bồn; người An Giang thờ lạy Bà Chúa xứ, nhiều nơi khác thờ lạy bà Cửu thiên huyền nữ...
Niềm tin tâm linh ấy được hiện thực hóa, cụ thể hóa trong mỗi đời chúng ta, cho chúng ta yêu quý, tôn thờ mẹ của mình hơn bất cứ một người nào khác trên đời. Hãy hình dung người mẹ VN qua cách mô tả trong ca từ âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy: “Đôi má tươi hồng, má tươi hồng với hàm răng trắng/Nhỏ người vai lẳng, vú căng tròn, tròn lưng ong”.
Cái vóc dáng tầm thước, tươi đẹp ấy đã mang nặng đứa con trong bụng mình chín tháng mười ngày, đã chịu đau đớn banh da xé thịt sinh đứa con ra, đã ẩn nhẫn nuôi nấng đứa con nên người, đã chịu nhiều đắng cay cơ cực hơn bất cứ một ai trên đời này. Ấy là mẹ ta - mẹ dân tộc không son phấn, chân lấm tay bùn, suốt đời không biết đến nhung gấm, chỉ biết có màu áo nâu sồng hay áo đen lam lũ.
Tôi sinh ra trong một gia đình có đến mười anh chị em. Trong những chiều đông giá rét ngày thơ ấu, tôi thường ra đứng trước ngõ nhìn ngược nhìn xuôi con đường quê lấm tấm mưa phùn hay sương lam để chờ mẹ về. Lòng tôi thường nghĩ ngợi vẩn vơ, cứ sợ mẹ không về thì không biết sẽ sống với ai.
Nỗi lo sợ ấy kéo dài mãi cho đến khi cái vóc dáng gọn gàng của mẹ, tay phải bưng chiếc rổ nhỏ, đầu đội chiếc nón lá hiện ra, tôi mới thật sự thở phào, nhẹ nhõm. Mẹ trở về nhà thì tự nhiên lòng tôi ấm lên, nhà tôi ấm lên. Ôi, nếu không có mẹ thì cuộc đời của mỗi chúng ta, tâm hồn của mỗi chúng ta sẽ trống vắng biết bao nhiêu!
Cuối tháng 2.2017, tôi đọc thông tin về một bà mẹ trẻ người Hàn Quốc chết vì kiệt sức và suy tim ngay trên bàn làm việc. Người phụ nữ ấy đậu đầu khóa thi tuyển công chức, làm việc rất giỏi 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chị còn là mẹ của hai cháu bé, chăm lo 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho gia đình.
Tính ra, chị còn 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày để dành cho mình, kể cả thời gian đi đến sở làm và từ sở làm về nhà. Mỗi ngày, chị còn khoảng 6 tiếng để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân... Danh tính của chị được giữ kín nhưng cái chết vì kiệt sức và suy tim ấy đã khiến các tổ chức lao động quốc tế phải nghĩ lại về các chế độ chính sách đối với lao động nữ ngày nay.
Người ta tính ra rằng những người phụ nữ trẻ, giỏi giang trong xã hội có nền công nghiệp phát triển phải làm việc cật lực trong 2.113 giờ mỗi năm; nhiều hơn 253 giờ so với người phụ nữ trong những xã hội đang phát triển.

Hàn Quốc là đất nước có hệ thống pháp luật lao động tiến bộ, trong đó người phụ nữ được nghỉ thai sản (mang thai và sinh con) đúng 12 tháng có lương, đi làm lại vẫn được hưởng lương đầy đủ. Thế nhưng ở nhiều đất nước công nghiệp phát triển khác, sau thời kỳ thai sản, người phụ nữ trẻ chưa chắc đã kiếm lại được việc làm. Chỉ số điều tra xã hội cho biết thông thường người phụ nữ phải mất trên 10 năm mới xin lại được việc làm (mới) và tiền lương mới ít hơn tiền lương cũ đến 233 đô la Mỹ.
Nói cách khác, sự vận động để tiến lên nền công nghiệp phát triển ngày nay của nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt những người phụ nữ trẻ giỏi giang, đầy khát vọng cống hiến trước hai chọn lựa: hoặc toàn tâm toàn ý làm công việc thì đừng nên nghĩ đến chuyện làm vợ, làm mẹ hoặc muốn làm vợ, làm mẹ, hưởng hạnh phúc gia đình bình thường thì phải chịu mất việc làm, giảm thu nhập. Cái áp lực vô hình phải chọn lựa một trong hai đó thật đáng sợ đối với người phụ nữ!
Trong bất cứ xã hội công nghiệp phát triển hay đang phát triển, văn minh hay chưa văn minh như các bộ lạc trên các đảo quốc Thái Bình Dương thì người phụ nữ trẻ nào cũng muốn được yêu, được làm vợ làm mẹ, có một nguồn thu nhập chính đáng, có một đời sống hạnh phúc bình thường. Thế nhưng, sức vóc người phụ nữ thì có hạn, so ra không khỏe bằng nam giới. Sức vóc ấy lại phải trải qua những lần sinh con; công việc chăm sóc gia đình lại nhiều hơn người đàn ông nên lại càng hao mòn, dễ kiệt quệ hơn đàn ông.
Thống kê của các tổ chức lao động quốc tế cho biết trung bình mỗi ngày người phụ nữ dùng 3 tiếng đồng hồ để chăm sóc gia đình, trong khi người đàn ông chỉ đóng góp được 40 phút, thậm chí có anh... không có được phút nào!
Cùng làm một công việc như nhau, năng suất như nhau nhưng lương người nữ công nhân, viên chức có khi vẫn ít hơn lương của nam đồng nghiệp. Với pháp luật các quốc gia và tổ chức nữ quyền trên toàn thế giới luôn luôn là nam nữ bình đẳng nhưng thật khó mà làm cho bình đẳng các chênh lệch trên đây.
Bản thân người phụ nữ trong xã hội đang phát triển của chúng ta hôm nay chừng mực nào đó cũng phải chịu áp lực vô hình giữa cuộc sống hạnh phúc gia đình và khát vọng được cống hiến cho xã hội. Tôi hiểu được người phụ nữ thông qua hình ảnh của mẹ tôi và vợ tôi. Mẹ tôi ngày xưa trưởng thành trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, tảo tần khuya sớm làm lụng nuôi con.
Vợ tôi trưởng thành trong xã hội đang phát triển, vừa phải làm tròn công việc của nhà giáo trong nhà trường, vừa phải chăm sóc gia đình. Những năm bao cấp, cả nước còn rất khó khăn, vợ tôi cũng như nhiều phụ nữ đồng trang lứa khác đã phải trải qua nhiều gian nan, vất vả mới gánh vác được cả hai trách nhiệm ấy.
Có công bằng chăng khi đôi vai của người phụ nữ vốn nhỏ nhắn hơn so với đôi vai của người đàn ông nhưng phải gánh vác thường xuyên một bên là bổn phận với gia đình, một bên là bổn phận với xã hội?
Có công bằng chăng khi rất nhiều người đàn ông tự cho mình cái “quyền” được gia trưởng; rong chơi tối ngày đánh bạc, đá gà, uống rượu; quay về nhà là chửi vợ, đánh vợ, gây ra những thảm kịch bạo hành gia đình? Tôi nghĩ rằng những người đàn ông có lòng hay chưa có lòng cũng nên nghĩ đến hai câu tự vấn trên đây.
Ngay trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, người nghệ sĩ cũng tỏ ra... bất công đối với vợ mình rồi. Anh nhiếp ảnh gia chỉ chuyên chụp ảnh những cô gái trẻ, mà nhiều khi là ảnh nude bốc khói bốc lửa chứ ít khi chụp ảnh vợ mình. Nhà điêu khắc chỉ chuyên tạc tượng những cô gái trẻ chứ chưa bao giờ tạc tượng vợ mình.
Nhạc sĩ lãng mạn viết ca từ, nhà thơ lãng mạn làm thơ chỉ nói về ai đó chứ ít khi nói về hình ảnh vợ mình. Ngay ngài Khổng Tử - con người nổi tiếng đàng hoàng nhất của thời Xuân Thu, cũng chưa viết được một dòng chữ nào về Khổng phu nhân mà chỉ đi qua nước Vệ “thưởng ngoạn” nhan sắc của bà Nam Tử. Cho hay, “hoa lạ hương xa” vẫn được ca ngợi nhiều hơn đôi vai gần gũi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.