Đài khí tượng thủy văn cho biết áp thấp nhiệt đới đang đổ vào vùng nam Trung bộ, trời sẽ có mưa to đến rất to.
Vậy nhưng buổi sáng khi tôi tới Bình Dương thì trời hửng nắng, không khí thật trong lành và mát mẻ. Qua khỏi nội thành Thủ Dầu Một với những dãy phố mới đầy cây xanh bóng mát, chúng tôi về quốc lộ 14 mới làm láng như phản gõ hướng đến rừng cao su Chánh Phú Hòa.
tin liên quan
Người Việt thơm thảo - Kỳ 3: Chén cơm nghĩa tình ở tiệm Phúc Mập(TNO) Giữa trưa nắng gay gắt, người đi đường dừng lại trước một cửa tiệm trên con đường Phạm Hùng, quận 8, TP.HCM, uống một ly nước mát rồi lại đi.
Hôm nay, tôi đi thăm những người quen cũ. Họ là những nhà văn, nhà thơ, soạn giả tuồng cải lương, nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng. Họ là những con người tài giỏi, đã sống, đã yêu, đã đem hết tâm lực và trí lực sáng tạo ra những tác phẩm văn hóa nghệ thuật đích thực, đem tiếng hát lời ca phục vụ cho con người và làm đẹp cho cuộc đời.
Họ đã sống một đời đáng sống và sau cùng, họ đi vào cõi thiên thu an tĩnh, cái thế giới của người hiền. Thân xác họ được đưa về đây, nằm trên đường Nghệ Sĩ của nghĩa trang hoa viên Bình Dương, dưới bóng mát của tán rừng xanh đang chờ mùa xuân đến.
Điều tôi thích nhất ở nơi đây là bước vào nghĩa trang mà chẳng thấy cái không khí u buồn hay hoang vắng. Ở đây, cây cỏ thật xanh tươi, hoa vàng hoa đỏ nở rộ, đường đi sạch sẽ, râm mát, quả thật đúng với tên gọi “hoa viên”.
Những ngôi mộ được bố trí trang nghiêm nhưng khá giản dị, không màu mè chạm trổ kỳ khu, không khoe mẽ tường rào bao bọc. Nó cũng không có cái trật tự ngay hàng thẳng lối máy móc một kiểu như những nghĩa trang khác. Tuyệt nhất là tấm bia chỉ thể hiện bút danh hay nghệ danh và năm sinh, năm mất của người đã yên nghỉ, thật giản dị.
Chỉ chừng đó cũng nói lên được tính khiêm tốn của người làm văn hóa nghệ thuật. Thông thường khi qua đời, những người còn lại vẫn thích bảng vàng bia đá hoành tráng, kể lể công đức dài dòng; thậm chí người sống còn ăn theo tên mình sau hàng chữ “Phụng lập”.
Người làm văn hóa nghệ thuật căn bản không mong điều đó. Họ chỉ để lại bút danh hay nghệ danh, ai biết thì tốt, ai không biết cũng chẳng sao. Họ sống với đời bằng bút danh hay nghệ danh, đi qua cuộc đời cũng chỉ để lại bút danh hay nghệ danh. Và chỉ có vậy thôi.
Đây là chỗ nằm của Sơn Nam - nhà văn Nam bộ kiêm ông vua đi bộ nổi tiếng đất Sài Gòn. Tác phẩm văn học của ông có đến mấy chục cuốn, tập trung phản ánh về lối sống chân phương thuần hậu của con người Nam bộ, về văn hóa lúa nước miệt vườn, văn minh đồng bãi miền Tây.
Dấu vết của một đời nhà văn “vừa đủ xài” hiện lên trên khuôn mặt khắc khổ của ông nhưng điều đó không làm mờ phai bản chất trung hậu, thật thà, yêu đời, rộng mở tâm hồn thoáng đãng của một nhà văn nổi tiếng.
Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Và điệu thơ Lục Vân Tiên.
Đây là chỗ nằm của Kiên Giang - nhà thơ kiêm soạn giả tuồng cải lương. Những xót xa của đời sống không làm ông mất đi tố chất nghệ sĩ. Những ngày tuổi về chiều nhà không có, ông vẫn một lòng một dạ mong phục hồi cho được hoạt động sân khấu cải lương Nam bộ. Thơ của ông hồn nhiên chơn chất như phù sa sông Kiên đổ ra biển Tây nhưng vẫn tạo ra cảm xúc dào dạt như sóng biển dậy lên trong lòng người:
Hoa trắng thôi cài lên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh.
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông nóc giáo đường.
Đây là chỗ nằm của nhạc sĩ Phạm Duy. Con người đóng góp công sức khá lớn cho việc khai sinh và hình thành của tân nhạc VN, con người tài hoa viết bất cứ thể loại ca khúc nào cũng hay, sau nhiều năm phiêu bồng đã có ý nguyện mong được trở về nằm trong lòng đất của đất nước mình.
Những tác phẩm âm nhạc của ông làm vinh danh cho nền âm nhạc đất nước này; người nước ngoài hiểu được chiều sâu bác học, trí tuệ của âm nhạc VN là phải hiểu qua tác phẩm của Phạm Duy. Vậy nhưng ông chưa có một giải thưởng nào, chưa được một ghi nhận nào ngoài sự ghi nhận của báo chí và tình cảm của người yêu nhạc.
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi.
Đây là chỗ nằm của soạn giả cải lương Viễn Châu. Ngoài những vở tuồng dài ra, người soạn giả ấy đã viết trên dưới 4.000 bài ca vọng cổ, cứ mỗi bài trên dưới 600 chữ thì có nghĩa là ông đã để lại cho đời trên dưới 2 triệu rưỡi chữ.
Văn chương của Viễn Châu trữ tình, dung dị theo đúng phong cách Nam bộ nhưng rất bác học bởi chiều sâu tư duy và kiến thức văn học tuyệt vời hàm chứa trong đó. Thế nhưng, cái lối sống của Viễn Châu mới là đáng yêu quý: trong sáng, khiêm tốn, nhân hậu; nghe nhiều hơn là nói, nói thì chừng mực và đảm bảo tính kiến thức chuyên môn hoàn chỉnh.
Trong một bài viết cách đây mươi năm trên một tờ báo xuân, tôi so sánh bài ca cải lương Tình anh bán chiếu của Viễn Châu với bài thơ Đề tích sở kiến xứ (Viết ở nơi trông thấy ngày trước) của nhà thơ Thôi Hộ đời Đường. Tôi gọi cả hai người là danh sĩ nhưng vẫn thấy tình yêu của anh bán chiếu xứ Cà Mau rộng rãi, thanh thoát, tươi đẹp hơn mối tình của Thôi Hộ với cô gái trong Đề tích sở kiến xứ.
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào
Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào
Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm Rẫy
Chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi
Nhà của cô sau trước vắng tanh,
Đâu đây vọng lên mấy tiếng nguyệt cầm
Như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm.
Vâng, còn nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, diễn viên, họa sĩ… nằm trên đường Nghệ Sĩ này; có những người tôi quen biết, có những người tôi chỉ được nghe tên mà chưa có cơ hội gặp gỡ.
Thì thôi, tôi đến đây để chào kính họ vậy. Họ nằm trong phần đất của mình, nhìn lên bầu trời cao rộng có bóng mây trôi, nghe tiếng lá rừng reo trong gió và tiếng chim hót lên dưới những tán lá xanh. Những tinh túy mà họ gửi đến cho cuộc đời trở thành niềm hạnh phúc của họ.
Ta đã hái nhành hoa kia của đá
Và đã trao cho nham thạch phiêu bồng
Bùi Giáng từng viết như vậy.
Tôi tin linh hồn họ đã siêu thoát về cõi tiên, cõi Phật, cõi Chúa. Suốt một đời sáng tạo hay biểu diễn, họ đã cống hiến cho con người những sản phẩm trí tuệ tinh thần đẹp nhất của mình, dù đời sống vật chất của họ có thể khiêm tốn hơn nhiều người khác.
Họ đã sống lạc quan với nụ cười và con tim yêu đời thiết tha. Đó là những đời trong sáng và thanh cao, gửi đi thì nhiều mà không đòi hỏi phải nhận lại. Chính vì vậy, họ sống mãi trong lòng người yêu văn hóa nghệ thuật giải trí, nghĩa là bút danh hay nghệ danh của họ còn mãi với cuộc sống chúng ta.
Bình luận (0)