Và nếu như có người hỏi vậy thì Tết chuẩn Âu là như thế nào thì chí ít cũng nên nghe người đã từng trải nghiệm qua chia sẻ đôi điều về xứ sở xa xôi đó.
“Ngày còn ở nhà, nhiều khi thấy tết cũng… phiền. Đồ ăn thì ngập ngụa chứa chan, rồi tết nào cũng phải một mình hì hục rửa mấy xô bát sưng cả tay. Nhưng ở xa rồi, có những ngày tự nhiên lại nhớ và thương tết ghê. Nhớ mùi nhang trầm, mùi chậu nước rau mùi mẹ đun để rửa mặt buổi sáng mùng một. Nhớ sáng 30 cùng mẹ bày mâm ngũ quả, rồi phụ mẹ dọn mâm cỗ cúng đêm giao thừa. Nhớ tiếng khu chợ chiều 30 xôn xao nhộn nhịp. Nhớ bữa cơm mà bố mẹ cứ ăn được vài gắp là lại có khách ghé chơi. Nhớ cả cái vị cái bánh chưng ra riêng rán đi rán lại…” - trích đoạn bài đăng của blogger Nhung Vũ những ngày qua trên mạng xã hội bồi hồi nhớ Tết Việt.
Trong những tháng ngày giáp tết như thế này, con người ta mới bắt đầu có nhiều suy nghĩ ngổn ngang. Người thì nghĩ xem tết này về nhà nội hay nhà ngoại trước, người nghĩ cách làm sao ăn tết tiết kiệm mà vẫn vui, người ở xa thì ước gì mâm cơm năm nay không lưa thưa vài món mua vội ở “chợ Tàu” như năm trước đó… Và dù ở đâu, dù nghĩ gì thì ai ai cũng mong muốn mình được hưởng một tinh thần tết trọn vẹn. Sau bài đăng của Nhung Vũ, nhiều câu hỏi đặt ra, trong đó có chủ đề: Liệu có ai muốn ăn Tết chuẩn Âu không? Câu trả lời là có!
Phương Linh, du học sinh tại Anh cho biết: “Ở bên này, những ngày cận tết ta, mình vẫn phải đi làm, nhưng đương nhiên là vẫn không quên sắm sửa này nọ để đâu đó níu kéo hương vị Tết quê hương. Mình cùng một số người bạn Việt Nam hẹn nhau làm vài món ăn đạm bạc. Với tay nghề cũng chẳng phải giỏi giang gì để biến hoá nguyên liệu Tây thành món ta, bọn mình chỉ nấu vài món cơ bản như khổ qua nhồi thịt mà hồi ở nhà mẹ hay cúng mùng 1, chả giò, bánh phục linh... Nhờ có tết ‘thiếu’ mới nhớ những ngày tết ‘đầy’ ở nhà với mâm cơm biết bao là món. Nhưng có năm về nhà ăn tết, mình lại tâm sự với mẹ là nhớ mùa đông bên này, nhớ tất cả mọi thứ từ trong bếp ra tới ngoài sân… thỏ thẻ nói với mẹ: Ước gì con mang cả trời Âu về được cho mẹ!”.
Nói vậy không có nghĩa là “sính ngoại”. Như câu chuyện của Phương Linh hay của biết bao nhiêu bạn trẻ khác đang sống và làm việc tại nước ngoài, một khi chạm tay đến những sản phẩm của thế giới hiện đại, điều mình nghĩ đến trước nhất là sẽ kể cho người thân ở nhà nghe về nó: lần đầu tiên đi tàu điện ngầm hàng trăm đường khác nhau, lần đầu nhìn thấy cái nồi chiên chứa được cả con gà Tây to đùng… hay cái tủ lạnh “khủng long” mà có thể do mình không cao nên cứ phải ngước nhìn... Tất cả mọi thứ hay ho học được từ những trải nghiệm thiếu - đủ, chúng ta đều nảy ra ý muốn cân bằng nó để cuộc sống càng tốt đẹp hơn, dễ dàng hơn.
Giống như đi dạo hàng tiếng đồng hồ trong khu chợ người Hoa ở Mỹ để tìm nguyên liệu làm món Việt… hay như ra cửa hàng “nghía” cái tủ lạnh mác Âu mà nghĩ “Nếu mua về cho tía má ở nhà chắc mê lắm tại ngày xưa học bên Thổ thấy nhà nào người ta cũng xài hãng này”. Người Việt mình có tài biến cái lạ thành quen, dù sao đi nữa cũng mang dấu ấn riêng, mang những kỷ niệm riêng để mà chan hòa vào nó và làm cuộc sống trở nên tốt đẹp. Như cách mình sáng tạo nguyên liệu Tây thành món Việt cho đỡ nhớ nhà, mang đồ Tây về sửa sang cho gia đình chuẩn Âu hơn, hiện đại hơn.
Tết ở đâu cũng sẽ vui nếu như chúng ta giữ được tinh thần tết. Giả sử một ngày hồi hương mà có ai đó ngỏ ý muốn Tết Việt chuẩn Âu thì bạn sẽ làm thế nào? Thử nghĩ xem, chúng ta sẽ mang về vài món quà từ trời Âu, chúng ta sẽ đơn giản hóa mâm cơm Tết nhà mình theo cái cách mình từng biến tấu khi trong tay chẳng có mấy nguyên liệu quê nhà...? Bạn sẽ chọn cách nào để Tết Việt mình cũng thật “chuẩn Âu”?
Bình luận (0)