'Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé' chạm đến nỗi đau của thiên nhiên

26/09/2018 13:25 GMT+7

Sự vô cảm, thực dụng, quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch thiếu tổng quan… đã đẩy thiên nhiên vào cơn thịnh nộ. ‘Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé’ mở ra vẻ đẹp vốn có để chạm nỗi đau mà thiên nhiên đang mang nặng.

39 tản văn trong tập tạp bút Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé của tác giả - nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Học chan chứa những cảm xúc và những suy nghiệm của tác giả về thế giới và con người. Tác phẩm chạm đến nỗi đau mà thiên nhiên đang gánh chịu, như sự nhuốm màu và oi nồng mùi ô nhiễm của những dòng sông, tâm trạng xót xa khi nhận ra sự biến mất dần của muôn loài...
Trong cuộc sống hiện đại, đã có không ít người nhân danh văn minh để đàn áp, chiếm dụng, vắt kiệt tự nhiên... Với tác giả, đây là đề tài nhức nhối mà anh sẽ “tiếp tục sáng tác văn chương, tiếp tục điều tra các vệt bài để đăng tải lên các phương tiện truyền thông, báo chí”.
Cuốn sách chứa đựng biết bao tâm tư, những câu chuyện không nhỏ trong thời hiện đại ẢNH: NXB
Không “đao to búa lớn” hay ‘lên gân” kêu gọi, mà bằng những xúc cảm của người viết, một người nặng lòng với “Mẹ thiên nhiên”, tác giả Nguyễn Văn Học đã khơi gợi biết bao suy ngẫm về những mất mát, về sự biến đổi…qua những câu chuyện tưởng nhẹ nhàng nhưng không hề thoảng qua. Đó là những con suối nên thơ trong lòng Tây Bắc như đang mất dần vẻ đẹp nguyên sơ; là những cuộc ‘đưa nhau đi trốn” của người trẻ chốn thị thành khi thèm hít thở không khí trong lành hay nương náu trong những không gian cổ kính để thương nhớ rêu phong. Hay, có những ngày bước đi trên phố, lòng chợt nhói đau khi mắt chạm vào những gốc cây trơ trọi…
Đó là trên những trang sách, còn thực tế, cũng thật gần gũi, tác giả cho rằng: “Trong cuộc sống này, chúng ta có nhiều cách để bảo vệ môi trường. Chẳng hạn trong gia đình, ta hạn chế sử dụng túi ni-lông, nhắc nhở các con ra đường không vứt rác bừa bãi. Bắt đầu từ những việc rất nhỏ thôi, nhưng như vậy đã là góp phần vào cuộc sống xanh rồi”.
Anh cũng nhìn nhận sự “ngược đời” đã và đang diễn ra, khi nhiều người ở quê thì mong được lên sống trên phố, trong khi dân thị thành lại thích quay về miền thôn dã. Người này cứ ước ao điều kiện của người kia! “Nhưng phải khẳng định, sự đô thị hóa sẽ ngày càng khủng khiếp. Tôi và nhiều bạn bè đồng nghiệp đều mong mỏi sau những ngày làm việc căng thẳng, trở về thôn quê, hay đi phượt đồng, về những không gian làng cổ, nơi các dòng sông còn ngọt mát với lũy tre xanh … Những hình ảnh ấy giúp tôi sống chậm lại, sảng khoái hơn, thư thái hơn. Và tôi thấy mình còn thở. Mình vẫn đang sống và có khát vọng. Chúng ta ngừng thở là sẽ chết. Tôi ngừng đi là tôi đã già nua…”, anh thổ lộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.