Tiệc cưới nghệ sĩ (NS) Hồng Tơ mới đây hầu như không thiếu NS nào của Đoàn Cải lương Kim Chung. NSƯT Minh Vương phấn khởi: “Phải chi mỗi tháng đều có tiệc cưới của anh em thì vui biết mấy”. NS Hồng Tơ và các NS đồng nghiệp đều xúc động vì bệnh tình của NSƯT Minh Vương đã thuyên giảm nhiều vì chứng bệnh đau bao tử hành hạ anh lâu nay.
Đau thể xác lẫn tâm hồn
Ít ai có sức chịu đựng dẻo dai trước bệnh tật như NSƯT Minh Vương. Anh tuyệt nhiên không than vãn mà cố vượt qua để có thể gắn bó với nghề. “Nỗi đau thể xác thấm thía gì nỗi đau tâm hồn mới khó tả” - NSƯT Minh Vương thổ lộ. Nhờ có sân khấu mà anh mới có thể vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn đó.
|
Thời mà hầu hết các ngôi sao sân khấu chạy show với đĩa thu âm phần phối nhạc sẵn thì đến bất cứ nơi nào, Minh Vương cũng đưa nhạc sĩ Duy Kim, Duy Khôi hoặc Khải Hoàn theo. “Họ đàn cho tôi ca, cát sê có thể chia cho anh em nhạc sĩ vì tôi thích ca sống để bà con thương” - anh cười hiền hòa, đúng cốt cách của một “ông hoàng” sân khấu xuất thân từ Cần Giuộc - Long An.
Gần nửa thế kỷ sống dưới ánh đèn sân khấu, chưa lúc nào Minh Vương có ý định rời sàn diễn. “Với tôi, đi hát đã trở thành hơi thở, mạch sống. Thế nên, khi vợ chồng tôi ly dị do nhiều chuyện không vui, ba má đang định cư ở Úc đã bảo lãnh tôi sang nhưng trên đường ra sân bay, tôi đã xé bỏ vé máy bay và điện thoại xin lỗi ba má. Bởi lẽ, tôi biết nếu mình xa sàn diễn cải lương, xa khán giả mộ điệu thì sẽ như con cá chết ngạt khi không được bơi trong nước”- Khôi nguyên Vọng cổ Minh Vương tâm sự.
|
Nghị lực và lòng yêu nghề đã giúp Minh Vương vượt qua nhiều nỗi đau của cuộc sống gia đình, nhất là sau khi ly dị, anh trao hết tài sản cho vợ con, rời khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Anh vẫy một chiếc xích lô đưa mình về nhà người em ruột ở quận 8 - TPHCM. Chính nơi đây hơn 50 năm trước, cậu bé Nguyễn Văn Vưng đi vớt lăng quăng nuôi cá lia thia ngang nhà thầy Bảy Trạch, nghe ông dạy đờn ca tài tử đã dừng chân học lóm. Sau đó, được thầy thương nhận vào dạy hát, để đến kỳ thi giải Khôi nguyên Vọng cổ năm 1964 anh giành giải nhất khi mới 14 tuổi. Nghệ danh Minh Vương được ông bầu Long của Đoàn Kim Chung đặt cho anh ra đời từ đó.
|
“Số tôi lận đận với phụ nữ lắm. Nhờ sân khấu mà tôi gượng dậy được và lao vào biểu diễn. Một lần, qua sự mai mối của bạn bè, tôi về Long An cưới vợ. Chẳng may, cô ấy lại bị tai nạn giao thông qua đời ngay sát ngày cưới. Một lần nữa tôi phải cố vượt qua nỗi đau. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được người vợ hiện nay, vốn là chủ một tiệm may. Cô ấy đã hết lòng chăm sóc, lo lắng để tôi yên tâm sống với thế giới màn nhung” - anh bộc bạch.
Nhắc đến người vợ đã ly dị, NSƯT Minh Vương ưu tư: “Sau nhiều năm không nhìn mặt nhau, tôi cũng đã vượt qua để sánh bước bên bà ấy trong ngày hôn lễ của con trai mình. Tôi đã làm tròn bổn phận người cha trong ngày cưới của con sau nhiều năm không gặp vợ cũ”.
Vua không ngai
Dù lao đao vì chuyện tình ái trong cuộc đời nhưng trên sân khấu, với biết bao cuộc tình thơ mộng, NSƯT Minh Vương đã làm say đắm lòng người qua giọng ca cuốn hút, sang trọng. Cũng như các NS Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Tú…, một thời anh cũng lập gánh hát. Nghiệp làm bầu lấn át nghề hát nhiều phen khiến anh không thể đứng nổi trên sàn diễn.
Sau ngày đất nước thống nhất, Minh Vương về Đoàn Văn Công TPHCM rồi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Vai Nguyễn Trãi trong vở Rạng ngọc Côn Sơn (tác giả Xuân Phong, đạo diễn Đoàn Bá) đã giúp anh lột xác về mặt ca diễn. “Hễ làm nghề là Minh Vương trút hết tâm can, đó là bản tính từ nhỏ của anh. Nhớ lại cuộc thi Khôi nguyên Vọng cổ 1964, tôi có sáng kiến để các thí sinh vào vòng chung kết cầm bài ca của tôi sáng tác vừa ráo mực, chỉ cho 5 phút chuẩn bị, ai ca đúng nhịp, thể hiện đúng tâm trạng thì đoạt giải nhất. Mưa gió miền Đông viết ngay bàn chấm thi được anh ca 6 câu ngọt ngào, dễ dàng như móc món đồ trong túi” - NSND Viễn Châu nhận xét.
|
Khi sân khấu gặp nhiều khó khăn, có những suất diễn Minh Vương không nhận tiền, tất cả đều chia cho anh em hậu đài và công nhân vệ sinh rạp. Soạn giả Kiên Giang thán phục: “Tính của Minh Vương phóng khoáng, đúng là một “vị vua hào phóng”. Hồi đó, giải nhất Khôi nguyên Vọng cổ được 10.000 đồng, anh tặng thầy Bảy Trạch 7.000 đồng, còn 3.000 đồng đưa cho mẹ”. Nghe tôi nhắc lại chuyện này, NSƯT Minh Vương xua tay: “Ai sống rồi cũng chết, khi đó có mang theo tiền của được đâu?”.
Sau này, Sân khấu Vàng ra đời, NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thủy chủ trương đưa diễn viên trẻ vào các vở diễn. Vì thế, giải Chuông vàng vọng cổ của HTV không thể thiếu Minh Vương. Anh không chỉ chấm thi mà còn dành nhiều thời gian trò chuyện, nâng cao cách ca, phân tích kiểu lấy hơi, trau chuốt câu vọng cổ cho thí sinh.
Nghe đồng nghiệp giục tổ chức live show 60 năm làm “vua không ngai”, Minh Vương thổ lộ: “Dù không ngai mà có nhiều “thần dân” yêu quý, thế là đủ. Trước khi muốn làm “vua” thì hãy là một công dân tốt đã”.
Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động
>> NSƯT Minh Vương nhập viện
>> Minh Vương “chơi” Tết
>> Ai thay thế Minh Vương và Bạch Tuyết
>> Minh Vượng đã có đôi
>> Không có Minh Vương, ai hát chung với Lệ Thủy?
Bình luận (0)