Tái khởi động các dự án BT, BOT
Trong văn bản vừa gửi Sở KH-ĐT, Sở GTVT TP.HCM đánh giá hệ thống đường bộ của TP.HCM, trong đó các tuyến đường trục chính đô thị, cửa ngõ, kết nối với các tỉnh lân cận... quy mô hiện hữu chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông và chưa được mở rộng theo lộ giới quy hoạch.
Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030, tổng km đường dự kiến được đầu tư khoảng 454 km (gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn...). Tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 266.000 tỉ đồng (trong đó, vốn ngân sách TP là 92.000 tỉ đồng chiếm 34,6%, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỉ đồng chiếm 65,4%). Thế nhưng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được TP thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỉ đồng, chỉ đạt 19,8% so với tổng nhu cầu.
Vì thế, Sở GTVT đề xuất được áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu, thay vì chỉ được áp dụng với các dự án "không phải là đường độc đạo" theo quy định tại dự thảo Nghị quyết. Sở này đánh giá việc sử dụng cụm từ này sẽ gây khó khăn, không rõ ràng trong việc xác định về tiêu chí, phạm vi áp dụng đối với các công trình đường bộ hiện hữu, đồng thời ảnh hưởng tới tính khả thi của nội dung cơ chế. BOT là hình thức thu phí trực tiếp của người sử dụng để hoàn vốn đầu tư nên trong quá trình xác định và lựa chọn công trình áp dụng hình thức hợp đồng nêu trên, TP sẽ chủ động xem xét, đánh giá.
Theo Sở GTVT, các dự án có thể xem xét như: mở rộng quốc lộ 1 (chia 3 đoạn tương ứng với 3 dự án) tổng mức đầu tư sơ bộ 12.876 tỉ đồng; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) khoảng 1.200 tỉ đồng; mở rộng quốc lộ 13 hơn 12.190 tỉ đồng; dự án xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường Vành đai 3 chiều dài 9,7 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 13.837 tỉ đồng; trục đường Bắc - Nam cần 54.204 tỉ đồng cho dự án mở rộng; cuối cùng là xây dựng đường động lực (đường song song quốc lộ 50) tổng vốn 3.816 tỉ đồng. Như vậy, nếu được thông qua cơ chế, TP.HCM sẽ cần thu hút khoảng 100.000 tỉ đồng xã hội hóa để thực hiện 6 dự án trên theo hình thức hợp đồng BOT.
Bên cạnh đó, ngành giao thông TP cũng kiến nghị được xây dựng cơ chế áp dụng hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước (theo thỏa thuận trong hợp đồng BT) thay vì thanh toán bằng quỹ đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư theo các quy định đã từng được áp dụng trước đây. Việc thanh toán hoàn vốn (bao gồm chi phí hợp pháp khác) cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ được TP xác định, cân đối thanh toán trong khoảng thời gian nhất định và trên cơ sở tiến độ thực hiện, khả năng tăng thu ngân sách TP từ các nguồn như đấu giá, đấu thầu các quỹ đất công cũng như các chính sách tài chính khác.
Xem nhanh 20h ngày 1.2: Ông Phan Văn Mãi tự hạ thi đua | Thợ xây cướp tiệm vàng để… mua bia
Nhiều dự án cấp bách có thể "chạy" ngay
Trả lời Thanh niên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết thực tế trước khi luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành, trên địa bàn TP đã triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, chủ yếu là các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. TP.HCM từng là nơi đầu tiên thí điểm phương thức huy động vốn BT thanh toán bằng tiền như dự án cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2... Các dự án có chủ trương đầu tư theo hình thức BT, BOT thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tổng mức vốn đầu tư từ các hình thức này đã được huy động khoảng 51.040 tỉ đồng cho 22 dự án trong giai đoạn từ 2005 - 2020. Chính sự hiệu quả từ các dự án trên đã thúc đẩy Chính phủ ban hành các chính sách, Nghị định hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, sau khi luật PPP ban hành đã bỏ luôn hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất, loại hình BOT thì khó khăn, phương thức đầu tư ngoài ngân sách rất hạn chế.
"Tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển GTVT TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 chậm, chỉ đạt khoảng 35% so với Quy hoạch theo Quyết định 568 đã được Thủ tướng ban hành năm 2013, phần lớn do thiếu cơ chế huy động các loại hình vốn ngoài ngân sách. Do đó, việc TP được áp dụng hình thức đầu tư dự án theo hợp đồng BT, BOT trên các trục đường cần cải tạo, mở rộng… sẽ giúp tăng khả năng huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực của TP. Nếu thực hiện được các phương thức này, TP có thể triển khai ngay các dự án đầu tư trọng điểm cấp bách, không phụ thuộc vào khả năng cân đối kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai 2020 - 2025", ông Lâm nhấn mạnh.
Ủng hộ việc cần có những chính sách, giải pháp mang tính đặc biệt để hỗ trợ TP.HCM, TS Dương Như Hùng (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) nhấn mạnh sự phục hồi, phát triển kinh tế của TP.HCM không chỉ cho TP, không là chuyện riêng của TP mà có tầm quan trọng đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Đây là vấn đề cần nhìn nhận trên phương diện lợi ích quốc gia.
Ông Hùng phân tích: Từ trước tới nay, nguồn vốn cho giao thông của TP quá eo hẹp và phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của Trung ương. Thiếu tiền, giao thông TP.HCM cứ mãi loay hoay, ọp ẹp trong khi xét về hệ suất sinh lời trên GDP, đầu tư vào hạ tầng của TP.HCM tạo ra rất nhiều hiệu quả cho đất nước. Từ khi triển khai Nghị quyết 54 đến nay, vẫn chưa có đột phá nào về hạ tầng, chưa nhiều dự án được triển khai, nhìn chung cục diện chưa thay đổi gì nhiều. Điều này đòi hỏi TP phải hành động, mạnh dạn hơn nữa.
"BT, BOT… về bản chất chỉ là các hình thức huy động tài chính, hiệu quả của dự án phụ thuộc vào tác động đối với kinh tế xã hội, không phụ thuộc nguồn tiền từ đâu. Trên thế giới cũng vậy, càng đa dạng hình thức huy động, càng đem lại hiệu quả tốt hơn. Vấn đề là quy trình thực hiện phải minh bạch, không lạm dụng để làm sai lệch, biến tướng các hình thức đầu tư này. TP.HCM cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh công tác quản lý, thực hiện", TS Dương Như Hùng lưu ý.
Bình luận (0)