Hai ngôi mộ cạnh nhau của Thành Tín hầu Trương Minh Thành (cha của Trương Minh Giảng – công thần bậc nhất nhà Nguyễn) và vợ nằm trong hẻm 82 Lý Thường Kiệt (phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) khiến ai nhìn tới cũng chạnh lòng vì quá thê thảm.
Nơi chứa phế liệu
Trước đó, tháng 10.2015, Thanh Niên đã đăng tải bài viết Hoang phế mộ cổ cha con Trương Minh Giảng. Tuy nhiên, mới đây quay trở lại mọi thứ vẫn không thay đổi.
Thoạt nhìn, ngôi mộ được bao quanh bởi bờ thành cao chưa tới một mét, dài khoảng 10 mét, có góc trụ vuông, bờ thành dày có vẻ vững chắc nhưng đã nứt có thể sập bất cứ lúc nào. Bên hông giáp với góc đường cây cối um tùm, phía trước tập trung đủ thứ phế liệu, từ khung nhôm sắt, gỗ tạp, chậu kiểng cho tới cơm khô phơi cho heo ăn. Tất cả hợp lại, che kín bưng ngôi mộ, bên trong chó mèo vô tư tiểu tiện.
|
Chính vì vậy, chẳng ai nghĩ rằng đây là ngôi mộ cổ của Thượng thư Bộ Lễ có công phò vua giúp nước từng được phong tước hầu thời nhà Nguyễn.
Anh N.T.S. (người dân ngụ hẻm 82 Lý Thường Kiệt) cho biết, anh ở tại khu hẻm này từ những năm 1990, khi đó xung quanh ngôi mộ hoàn toàn trống, thấy được cả trụ xi măng hình bông sen, hằng năm còn kêu gọi mọi người trong hẻm đóng góp để làm đám giỗ.
|
“Sau này, khi nhà sát bên xây lên thì tự làm tường rào bao quanh, phía trước để đủ thứ phế liệu nhìn rất mất thẩm mỹ. Thiết nghĩ, cái gì thuộc về lịch sử thì nên bảo tồn để con cháu lớn lên còn biết”, anh S. bức xúc.
‘Đã nhắc nhở nhưng vẫn chưa giải quyết được’
Trao đổi với Thanh Niên vào sáng 5.5, bà Trần Thị Thủy Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận Gò Vấp khẳng định phường đã rất nhiều lần nhắc nhở nhưng bà Bùi Thị Loan (người để vật dụng lấn chiếm mộ cổ) vẫn chưa chịu dọn dẹp.
Bà Hồng nói: “UBND nhiều lần kết hợp cùng đô thị và công an phường xuống nhắc nhở. Thậm chí cho thời gian để bà Loan dọn dẹp nhưng hết hạn xuống chỉ thấy bớt chứ chưa hết hẳn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhắc Ban quản lý nhà thờ họ Trương chủ động trong việc bảo vệ tài sản (là mộ cổ) của mình”.
|
Trước đó, ngày 28.3, Trung tâm bảo tồn di tích của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có văn bản thông báo về Kế hoạch tọa đàm khoa học về di tích lịch sử Đền thờ Trương Gia Tử và Mộ ông Trương Minh Giảng. Dự kiến tổ chức vào ngày 31.5.2016.
Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần mạnh tay hơn nữa để bảo tồn di tích của dân tộc, cũng là một trong những việc làm thể hiện sự tôn kính với những người có công với đất nước.
Bình luận (0)