'Mồ côi tội lắm ai ơi…'

11/05/2015 14:01 GMT+7

Hẹn nhiều lần với chị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam, chúng tôi mới sắp xếp về thăm được các cháu nhân dịp nghỉ lễ.

Hẹn nhiều lần với chị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam, chúng tôi mới sắp xếp về thăm được các cháu nhân dịp nghỉ lễ.

'Mồ côi tội lắm ai ơi…'Cháu Hồ Văn Khổ đang được nuôi dưỡng tại TT Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam - Ảnh: N.S.H
Con đường từ ngã ba Kỳ Lý đến Trung tâm vẫn không thay đổi, nhưng quang cảnh, sinh hoạt của các cháu đã khác hẳn, nề nếp, trật tự hơn rất nhiều, so với lần tôi cùng nghệ sĩ Kim Cương và nhạc sĩ Bảo Phúc đến trước đây…
Hồi ấy, năm 2000, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam (đóng tại xã Tam Đàn, H.Phú Ninh) mới thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau hơn chục năm, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 300 cháu với nhiều hoàn cảnh mồ côi đặc biệt khó khăn, nhất là những cháu bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng mẹ. Nhiều cháu vào Trung tâm trong tình trạng sức khỏe không bình thường vì mắc những bệnh như bại não, bại liệt, não úng thủy, mù, viêm gan B, HIV…
Chị Hồng Hạnh cho biết, tuy chế độ tiền ăn đối với trẻ từ 0 - 18 tháng tuổi nay đã được tỉnh Quảng Nam tăng lên 1 triệu/tháng cho mỗi cháu; trẻ trên 18 tháng tuổi tăng lên 800 ngàn đồng/trẻ/tháng, nhưng vẫn còn rất khó khăn vì vật giá tăng lên, việc thiếu dinh dưỡng là không thể tránh khỏi. Nhiều trường hợp các cháu mới đến, chưa có chế độ kịp thời cũng gây không ít khó khăn.
Hiện Trung tâm này có đến 83 cháu đủ mọi lứa tuổi, nhiều cháu bị bệnh tật không tự ăn uống, không tự làm vệ sinh được, hàng chục cháu phải bế bồng, phải bón từng giỏ sữa... nhưng chỉ có 24 cô nuôi dạy...
Một câu nói dân gian thường nghe: “Nuôi giữ một đứa bé cực hơn giữ 8 con bò!”, thì đủ biết công khó của các cô như thế nào, trong khi đồng lương viên chức sự nghiệp là khá ít ỏi... Và chúng tôi thầm cảm phục những người mẹ ấy.
Giữa cái nắng nóng đầu tháng 5, cháu Phan Thị Kim Thanh, 17 tuổi, đang học lớp 11, nhưng thân hình trông bé bỏng như chỉ 13-14 tuổi. Cha Thanh là anh Trần Văn Du ở H.Tiên Phước bị bệnh chết sớm, mẹ bỏ đi. Thanh sống với bà và học đến năm lớp 6. Khi bà già yếu, gia đình không ai đủ điều kiện lo cho em, Thanh được gởi đến đây đã 5 năm và năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Nay em đang học cuối lớp 11, được coi là “đàn chị”, học cao nhất của Trung tâm.
Em bé Hồ Thị Mửng, quê ở H.Bắc Trà My, cha chết sớm, mẹ bị bệnh tâm thần ngày nào cũng lấy lửa đốt con hoặc cầm dao cắt tay cắt chân em, nay vẫn còn để lại nhiều vết sẹo. Chính quyền địa phương đưa em đến Trung tâm đã 4 năm, nay em đã khá hơn, tuy nhiều lúc còn chấn thương tâm lý, nhưng đã học hết lớp 1 và tươi tĩnh hẳn lên.
Chúng tôi, ai nấy đều bàng hoàng khi nghe các cô nuôi kể về hoàn cảnh hết sức lạ lùng và cay nghiệt của cháu Hồ Văn Khổ, người dân tộc Cor ở H.Nam Trà My. Mẹ cháu chết sau khi sinh cháu phải giải phẩu, cháu bé như một con chuột, chỉ nặng 1,2 kg. Tục lệ người thiểu số là cháu sẽ phải chôn theo mẹ (!), nhưng một giáo viên người Kinh biết được đã mang cháu chạy về Tam Kỳ và giao lại cho Trung tâm. Đã tròn hai tuổi, tuy cháu đã nặng trên 7 kg, đã nói được những câu đơn giản, nhưng nhìn đôi mắt sáng trong và ngây thơ ấy của cháu, dường như cháu chưa hề biết số phận vừa đau đớn vừa may mắn của mình…
Gần một trăm cháu, mỗi cháu là một câu chuyện đau lòng, nhưng trong tình thương của những người như cha như mẹ ở đây, các cháu đã tiến bộ từng ngày, nhiều cháu học giỏi. Hai cháu Hồ Văn Cẩn và Hồ Văn Kè là anh em ruột, đứa học lớp sáu, đứa mới lớp bốn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng mấy năm nay năm nào hai cháu cũng là học sinh giỏi…
Tôi tham gia làm công tác xã hội với các bạn tôi trong nhóm Dnp Charity từ Đà Nẵng. Chọn Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam để đến thăm lần này là một xác định đúng: Đi càng xa các đô thị càng tốt, để đến được những nơi khó khăn nhất. Các bạn tôi là doanh nhân, là viên chức; có người đã nghỉ hưu. Nhiều bạn không tham gia chuyến đi vì đang ở Hoa Kỳ, ở Úc, ở Hà Nội hay TP.HCM đã gởi tiền về ủng hộ... Nhờ vậy, hơn 10 triệu đồng mua sắm sách vở, đường sữa, tả lót, xà phòng, bánh keọ đã được mang đến tận tay cho các em nhỏ… Các bạn trong đoàn còn sáng chế ra một chương trình văn nghệ thiếu nhi và ảo thuật, khiến các em rất thích thú và kéo dài thêm buổi gặp mặt...
Cô Hồng Hạnh nói đầy cảm xúc: “Không ngờ các anh chị ở xa mà hiểu rõ nhu cầu của các cháu đến vậy! Ngân sách chúng tôi được cấp mới chỉ lo tạm ổn cho cái ăn, còn dinh dưỡng nâng cao và nhiều nhu cầu khác các cháu vẫn thiếu thốn lắm!”. Một bạn doanh nhân nữ cho biết, đợt tới sẽ quyên góp thêm quần áo trẻ con cho các lứa tuổi để tiếp tục về thăm các em…
Một bạn nữ trong đoàn chúng tôi, vừa ra khỏi Trung tâm đã lật nhật ký ghi vội những dòng cảm động sau đây: Các con sau này khôn lớn, có còn nhớ lời Đức phật dạy: Công ơn cha mẹ sâu dày vô tận. Dù vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ mà đi hàng trăm ngàn kiếp, người con vẫn không thể nào đền đáp nổi công ơn ấy. Những người mẹ ở đây, dù không máu mủ ruột rà, đã chăm sóc các con bằng tất cả tình thương mà mình có...
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết Bông hồng cài áo để nói nỗi niềm mất mát của ai mất mẹ, mất cha, nhưng đó là nỗi niềm nhận biết khi ta đã lớn. Còn những đứa trẻ ở Trung tâm ý thức mất mát ấy, các em nào thể có biết được, nếu có chút ý thức nào thì cũng chưa trọn vẹn... Nhưng dù biết hay chưa, sự cực khổ, thiếu thốn vật chất cũng luôn là một hiện thực nếu không có sự quan tâm của xã hội, của cộng đồng...
Mồ côi khổ lắm ai ơi...”, lời bài ca ấy cứ vang vọng trong trí nhớ của người viết bài này. Bởi vậy, chúng tôi mong trở lại với các em sớm nhất, cùng với sự góp sức của bạn bè bốn phương trong lần tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.