Mở cửa bầu trời, đột phá du lịch

02/01/2019 08:00 GMT+7

Trong bối cảnh du lịch thế giới có xu hướng chững lại, ngành du lịch VN năm 2018 vẫn phát triển vượt bậc, kéo theo những thay đổi ngoạn mục của ngành hàng không.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp du lịch có mức tăng trưởng ấn tượng.

Vào top phát triển nhanh nhất thế giới

Khoảng 3 năm trở lại đây, ngành du lịch VN đã có những bước đột phá, phát triển nhảy vọt. Sau khi cán mốc 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2016, ngay tháng đầu tiên của năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (mục tiêu đến năm 2020, VN đón 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế và 82 triệu lượt khách nội địa), tạo cú hích giúp VN đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, lần đầu tiên đuổi kịp Indonesia và rút ngắn đáng kể khoảng cách so với con số 17,4 triệu lượt khách quốc tế của Singapore năm 2017.
Cần phải có sự tham gia của nhà nước như một nhạc trưởng kết nối, sự cầu thị của chính các doanh nghiệp hàng không và du lịch, thật sự muốn hợp tác, tất cả vì mục tiêu chung đưa VN trở thành cường quốc du lịch
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel
Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên VN vươn lên trở thành quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á và được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6/10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
Báo cáo “Điểm nhấn du lịch 2018” UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới) ghi nhận VN nằm trong top 4 quốc gia dẫn đầu danh sách tăng trưởng du lịch quốc tế với mức tăng trưởng 29,1%.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, ước tính trong năm 2018, cả nước đón khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,7 triệu lượt khách so với năm ngoái và 80 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 6,8 triệu lượt khách so với cùng kỳ. Lượng khách tăng cao mang về cho ngành du lịch VN khoảng 620.000 tỉ đồng doanh thu, “đút túi” nhiều hơn kế hoạch tới 109.000 tỉ đồng so với 2017.
Với lượng khách liên tục tăng trưởng cao, trong năm 2019 tới, ngành du lịch VN kỳ vọng sẽ đón 103 triệu lượt khách, “về đích” trước kế hoạch một năm so với mục tiêu trong Nghị quyết 08.

“Bắt tay” nhưng còn lỏng lẻo

Đáp ứng tới 70% nhu cầu di chuyển của khách du lịch, giai đoạn du lịch gặt hái được những thành tựu lớn cũng là lúc ngành hàng không VN vươn mình trỗi dậy, dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không trong 5 năm qua với mức tăng 28,9%, gấp hơn 2 lần so với nước đứng vị trí kế tiếp là Trung Quốc.
Du lịch và hàng không là 2 ngành có mối liên quan trực tiếp, hỗ trợ, bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Các hãng hàng không mở thêm chuyến bay là điều kiện cho du lịch mở thêm chương trình, tour tuyến, sản phẩm. Ngược lại, yếu tố tiên quyết khiến các hãng hàng không mở một tuyến bay mới chính là du lịch. Phải có nhu cầu của du khách, nhu cầu của các công ty lữ hành thì hàng không mới mở đường bay tới một địa điểm mới. Tuy nhiên, có một nghịch lý là “cái bắt tay” giữa 2 ngành hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ khiến thị trường du lịch nội địa chưa thật sự hấp dẫn.
Đón những du khách đến sân bay Đà Nẵng ngày 1.1.2019 Ảnh: TTXVN
Đón những du khách đến sân bay Đà Nẵng ngày 1.1.2019 Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, nhận định để du lịch thật sự phát triển, ba lĩnh vực lữ hành, hàng không và khách sạn đáng ra phải là những cặp bài trùng nhưng thực tế luôn không hiểu ý. Thay vì kết nối tạo thành một chuỗi dịch vụ liên kết, bổ trợ lẫn nhau thì hiện mạnh ai nấy làm.
Đặc biệt, ngành hàng không đang thiếu quan tâm, thiếu kết nối với các công ty du lịch. Sự liên kết chỉ xuất hiện khi bắt đầu phát động thị trường, còn khi đường bay đã mở, thị trường đã vào rồi thì lại trở nên lỏng lẻo. Nếu như trước đây, hàng không chủ yếu ưu tiên, phụ thuộc các công ty lữ hành thì hiện nay, họ tận dụng tối đa kênh bán hàng trực tuyến. Nhu cầu khách lẻ tăng cao, các công ty du lịch dần trở thành thứ yếu. Chỉ khi thị trường có biến động mới quay lại tìm tới lữ hành.
“Thiếu liên kết là nguyên nhân chính khiến giá tour trong nước bị đẩy lên rất cao, người Việt ngày càng đổ xô đi du lịch nước ngoài, đổ một lượng ngoại tệ lớn chảy qua biên giới. Đây cũng là những biểu hiện của một cấu trúc ngành du lịch lỏng lẻo, không chặt chẽ, thiếu chuyên nghiệp. Cần phải có sự tham gia của nhà nước như một nhạc trưởng kết nối, sự cầu thị của chính các doanh nghiệp hàng không và du lịch, thật sự muốn hợp tác, tất cả vì mục tiêu chung đưa VN trở thành cường quốc du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu quan điểm.

Tự do hóa vận tải hàng không

Du lịch phát triển mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng không nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán cấp bách với hạ tầng hàng không về tăng trưởng dài hạn. Nhiều sân bay tại các thành phố lớn đang phải hoạt động quá công suất, như Tân Sơn Nhất (TP.HCM) quá tải 30%, sân bay Nha Trang vượt công suất 20%, sân bay Đà Nẵng cũng ghi nhận tình trạng quá tải 13%, mặc dù đã được nâng cấp vào năm 2011 từ 4,5 triệu đến 6 triệu hành khách mỗi năm.
Về vận tải hàng không, hiện mới chỉ có 3 hãng hàng không thường lệ chính (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air), ít hơn nhiều so với 13 hãng hàng không thường lệ và gần 10 hãng bay thuê chuyến đang hoạt động ở Thái Lan. Số hãng hàng không đang khai thác ở VN cũng ít hơn so với Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Myanmar và ít hơn 10 lần so với Indonesia. Điều đó cho thấy mức độ cạnh tranh hàng không nội địa, quốc tế ở VN đang rất thấp so với khu vực.
Từ những phân tích trên, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch VN, nhận định để du lịch VN phát triển thuận lợi, nhà nước cần nhất quán chủ trương mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không nội địa, quốc tế, từ khâu cấp giấy phép thành lập hãng hàng không cho đến khâu cấp thương quyền khai thác, để có thêm một số hãng hàng không ra đời và tham gia bay nội địa, quốc tế. Đây đồng thời cũng là xu hướng của thế giới khi các sân bay thương mại ở hầu hết các nước phát triển đều đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào Chính phủ. Đơn cử, việc tư nhân hóa các sân bay thương mại tại Mỹ được thực hiện cách đây hơn 20 năm. Anh đã tư nhân hóa các sân bay thương mại từ năm 1987. Ngay tại châu Á, các sân bay ở Koh Samui, Sukhothai, Trad của Thái Lan là do Hãng hàng không Bangkok Airways đầu tư. Campuchia đã nhượng quyền quản lý, khai thác ba sân bay lớn nhất tại Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville cho Tập đoàn ADP-M (Pháp), sân bay Indonesia cũng do Hãng hàng không Air Asia khai thác.
“Cách đây khoảng 20 năm, việc lập bệnh viện tư rất nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh sự ra đời của các bệnh viện tư không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, chia sẻ áp lực cho các bệnh viện công mà còn là tác nhân lớn khiến bệnh viện công phải chuyển mình thay đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nói vậy để thấy an toàn, an ninh là đúng nhưng đừng đẩy lên thái cực đến mức triệt tiêu cả cơ hội huy động nguồn lực xã hội, cũng là triệt tiêu cả tính cạnh tranh của thị trường, quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Kỳ nhấn mạnh.
TS Lương Hoài Nam nhận định: “VN đã thực hiện tự do hóa đa phương trong ASEAN, nhưng quan hệ hàng không với các quốc gia ngoài ASEAN vẫn đang dựa trên các hiệp định hàng không song phương và các hiệp định này nên được sửa đổi theo hướng mở cửa bầu trời, tự do hóa. Bên cạnh đó, “trần” sở hữu nước ngoài tại các hãng hàng không VN cũng nên xem xét tăng lên 49% như trước đây, thuận lợi hơn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không VN để tăng quy mô và năng lực cạnh tranh quốc tế”.
Đón du khách xông đất
Sáng 1.1, tại đình Cẩm Phô (TP.Hội An), Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân và đại diện Sở VH-TT-DL, UBND TP.Hội An đã long trọng đón đoàn khách đầu tiên tham quan phố cổ trong năm 2019, gồm 15 du khách quốc tế do Công ty du lịch Hội An Express tổ chức tour.
Cũng trong sáng 1.1, Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế phối hợp cùng Vietnam Airlines và các đơn vị du lịch trên địa bàn tổ chức đón 184 hành khách trên chuyến bay VN 1543 Hà Nội - Huế. Ông Alex Ebtedaei và vợ (bà Nicolas Triballeau, quốc tịch Pháp) cùng ông Lê Hồng Thảo (Hà Nội) đã được tặng hoa, quà lưu niệm, cặp vé khứ hồi nội địa do họ là nhóm du khách đầu tiên trên chuyến bay VN1543 đặt chân xuống "xông đất" Thừa Thiên-Huế.
Cùng ngày, tàu du lịch Costa Atlantica cập cảng Tiên Sa, đưa gần 2.000 du khách thăm TP.Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Trưa 1.1, tại sân bay Đà Nẵng, lãnh đạo ngành du lịch cũng tặng hoa cho 190 du khách trên chuyến bay UO550 của Hãng Hongkong Express đến “xông đất” TP dịp năm mới 2019.
Ông Nguyễn Minh Đông, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết trong ngày 1.1, các hãng hàng không đã tăng 10 chuyến bay để đưa du khách rời đảo Phú Quốc sau 4 ngày nghỉ Tết dương lịch. Trong 4 ngày nghỉ Tết dương lịch 2019, Phú Quốc đã đón hơn 38.000 du khách, trong đó có khoảng 30% khách quốc tế.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.