Mở cửa rồi, sao còn siết shipper?

09/10/2021 08:51 GMT+7

Quy định tần suất xét nghiệm quá dày đối với lực lượng shipper vừa lãng phí, vừa không phù hợp trong bối cảnh TP.HCM đã mở cửa, tiến tới bình thường mới.

Thở dài nhận hướng dẫn xét nghiệm

Sở Công thương TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn xét nghiệm định kỳ đối với lực lượng shipper công nghệ. Theo đó, lực lượng shipper được phép hoạt động phải đảm bảo đáp ứng một trong các điều kiện: Là người nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh có giấy xác nhận; đã tiêm vắc xin đủ liều; đã tiêm ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau khi tiêm. Trong quá trình giao nhận hàng hóa, shipper phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Khách hàng được khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp sử dụng tiền mặt, yêu cầu shipper giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác; Thực hiện phương châm “Giao hàng không tiếp xúc”.

Đáng chú ý, dù đã phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn trong quá trình giao nhận hàng, đội ngũ shipper vẫn bị yêu cầu phải thực hiện test (xét nghiệm) nhanh kháng nguyên từ 1 - 3 ngày/lần, tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.

4 tháng chật vật của shipper Sài Gòn và những cuốc xe nhớ đời

Nhận thông báo hướng dẫn xét nghiệm từ phía công ty, Hải Anh (25 tuổi), tài xế ứng dụng giao hàng Now, thất vọng nói với chúng tôi: “Tưởng mở cửa thì được nới ra 7 ngày, ai ngờ vẫn thế, chẳng có gì thay đổi”. Duy trì chạy liên tục trong những ngày tháng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, Hải Anh đã tiêm 1 mũi vắc xin, trong cốp xe lúc nào cũng trang bị đầy đủ 1 hộp khẩu trang, nước rửa tay và xịt khuẩn. Cô kể, không chạy thì không có tiền ăn, mà chạy thì cũng khổ. Đợt trước, đơn hàng nhiều thì shipper phải đáp ứng đủ loại điều kiện giấy tờ thủ tục, rồi bị cấm liên quận nên chạy không được bao nhiêu. Đợt này, quy định nới lỏng hơn thì chạy cả ngày chẳng có đơn nào.

“Từ 1.10 đến nay, chắc người dân được ra đường rồi, nhà hàng, dịch vụ chưa mở lại hết nên ít đơn lắm. Đã thế, anh em tài xế giờ phải tự trả chi phí xét nghiệm, chia nhau ra cũng mất tới 40.000 - 50.000 đồng/lần, có khi bằng tiền chạy cả ngày. Hôm trước mấy anh em bảo nhau nghe đâu sắp nới 7 ngày mới phải test 1 lần, cũng đỡ. Ai dè nay lại chốt 3 ngày/lần. Giờ cố tìm được chỗ nào test miễn phí, được lần nào hay lần ấy thôi chứ kéo dài thế này, khó cho shipper chúng tôi quá”, Hải Anh than thở.

Ô tô công nghệ chạy lại, bác tài phấn khởi: ‘Miễn đi làm là hạnh phúc rồi’

Với tình hình hiện nay, shipper chỉ cần xét nghiệm 1 tuần/lần là phù hợp.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh,
nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM

Đồng cảm, anh Mạnh Danh (tài xế Hãng xe Grab) bức xúc đặt vấn đề: “Bộ Y tế quy định người lao động tiêm vắc xin đủ liều không cần xét nghiệm. Shipper cũng là một người lao động mà sao cứ làm khó, test riết, cái mũi không bị bệnh này cũng qua bệnh khác. Tôi đề nghị phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho shipper đỡ cực. Dân ra đường cũng không cần xét nghiệm nữa mà sao bắt shipper xét nghiệm nhiều thế?”.

Doanh nghiệp oằn mình gánh phí

Trước đó, từ 1.10, TP.HCM đã chấm dứt phát bộ kit test miễn phí cho tài xế. Để chia sẻ phần chi phí xét nghiệm cho đối tác, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn duy trì hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí test.

Một số doanh nghiệp vẫn duy trì tặng bộ kit test cho đối tác tài xế

CTV

Đơn cử, bắt đầu từ ngày 5.10, ứng dụng gọi xe Grab triển khai chương trình tặng bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 cho đối tác tài xế 2 bánh đang hoạt động tích cực tại TP.HCM. Khi đạt đủ tổng số chuyến xe trong tuần theo điều kiện của chương trình, đối tác sẽ được tặng 1 bộ xét nghiệm nhanh để chủ động thực hiện việc tự xét nghiệm theo mẫu đơn tại nhà. Trường hợp các tài xế không đáp ứng đủ điều kiện để nhận bộ kit test miễn phí thì có thể đăng ký tham gia các chương trình thưởng khác để tăng thu nhập, bù chi phí xét nghiệm. Trường hợp còn lại, tài xế tự chịu chi phí test theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, ứng dụng Gojek đang tiếp tục cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho shipper. Tuy vậy, với khoảng 13.000 shipper đang hoạt động hiện nay và có thể tăng lên trong giai đoạn tới, chi phí xét nghiệm sẽ trở thành gánh nặng quá lớn cho DN. Giá trung bình mỗi bộ kit test khoảng 120.000 đồng. Với tổng số khoảng 13.000 tài xế Gojek, trung bình cứ 2 ngày test 1 lần, 1 tháng test 15 lần, nhân lên sẽ ra số tiền cực lớn. DN lo không thể gánh nổi vì thời gian qua sức lực đã bị đại dịch bào mòn rất nhiều.

Chưa kể, trong giai đoạn TP.HCM mới mở cửa trở lại hiện nay, số lượng đối tác nhà hàng mở cửa trở lại chưa tăng tương ứng với nhu cầu nên để bảo đảm thu nhập cho tài xế, các DN giao nhận hàng hóa phải xây dựng rất nhiều chương trình tặng thưởng cho đối tác hoặc khuyến mãi cho khách hàng để kích cầu. Chi phí duy trì hoạt động cho giai đoạn khởi đầu bình thường mới là rất lớn.

Đại diện Gojek nhận định trong bối cảnh các biện pháp giãn cách tăng cường tại TP.HCM đã được nới lỏng, người dân nếu đã tiêm chủng hoặc người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng có thể ra đường mà không cần kết quả xét nghiệm hay các loại giấy đi đường, yêu cầu xét nghiệm nhanh với tần suất liên tục đối với các shipper có thể không còn phù hợp với thực tiễn chống dịch. Tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi. Quy định yêu cầu xét nghiệm nhanh này cũng tạo áp lực cao về chi phí cho các shipper, hoặc các DN có quy mô shipper lớn đang trang trải chi phí xét nghiệm cho các đối tác tài xế.

Đề xuất giãn tần suất xét nghiệm 7 ngày/lần

“Quá nhiều, không cần thiết” là nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, về quy định tần suất xét nghiệm cho lực lượng shipper.

Theo ông, tại TP.HCM hiện nay, tỷ lệ chích ngừa đã rất cao. Cả lực lượng shipper và người dân hầu hết đều đã có kháng thể trong người. TP quyết định mở cửa khẳng định chủ trương “bình thường mới”, sống chung với dịch bệnh thì những quy định liên quan đến các hoạt động trong cộng đồng cũng cần áp dụng hợp lý theo chủ trương này. Quy định tần suất xét nghiệm với lực lượng shipper không thay đổi so với giai đoạn giãn cách xã hội là không phù hợp trong bối cảnh mới. Chưa kể, trong quá trình hoạt động, shipper phải đáp ứng đầy đủ tất cả yêu cầu như phân vùng hoạt động, giao hàng không trực tiếp, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt... Rủi ro lây nhiễm, truyền nhiễm dịch bệnh đã được hạn chế đến mức thấp nhất.

“Người dân hay những đối tượng khác đã tiêm vắc xin thì nguy cơ lây nhiễm cũng không khác gì shipper, tại sao lại siết riêng đối tượng này? Thực tế, anh quy định shipper tự test nhưng có đảm bảo kiểm soát toàn bộ và kết quả đó đúng 100%? Một quy định không chỉ mang tính hình thức mà còn gây tốn kém nguồn lực xã hội. Với tình hình hiện nay, shipper chỉ cần xét nghiệm 1 tuần/lần là phù hợp”, bác sĩ Trương Hữu Khanh đề xuất.

Theo dõi quá trình kiểm soát hoạt động di chuyển của lực lượng shipper tại TP.HCM suốt thời gian qua, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, bày tỏ thất vọng khi hết lần này tới lần khác, các sở, ngành liên quan liên tục đưa những quy định “làm khó”, hạn chế shipper.

Ông Nam cho rằng điều kiện để một người lao động có “thẻ xanh Covid-19” - theo tiêu chí phòng chống dịch mà UBND TP.HCM vừa ban hành - là có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (test nhanh hoặc RT-PCR); tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh; không có tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày. Với quy định này, đa số lực lượng shipper đủ điều kiện hoạt động hiện nay đều đã là “người xanh”.

“Người xanh” mà vẫn phải 3 ngày xét nghiệm 1 lần thì xanh ở đâu? Lợi thế của việc có thẻ xanh là như thế nào? TP.HCM đã mở cửa rồi, nếu quan điểm về thẻ xanh không thể áp dụng cho chỉ khoảng 100.000 shipper đã tiêm vắc xin quá 14 ngày thì sao có thể áp dụng được cho hàng triệu người lao động đủ điều kiện thẻ xanh? Nếu đã có thẻ xanh rồi mà vẫn phải xét nghiệm liên tục mới được đi làm thì còn gì là thẻ xanh nữa?”

Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.