Mở đường cho khảo cổ học đô thị

13/01/2012 01:12 GMT+7

Nửa tháng sau khi bàn giao một phần di sản Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu cho TP.Hà Nội, hôm nay 13.1 Viện Khoa học xã hội (VASS) cho ra mắt Trung tâm nghiên cứu kinh thành.

Nửa tháng sau khi bàn giao một phần di sản Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu cho TP.Hà Nội, hôm nay 13.1 Viện Khoa học xã hội (VASS) cho ra mắt Trung tâm nghiên cứu kinh thành.

Hiện Trung tâm nghiên cứu kinh thành đang quản lý khu C-D cùng phần lớn hiện vật của di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu. “Việc nghiên cứu di tích 18 Hoàng Diệu mới ở những bước ban đầu. Mới có 9 năm kể từ ngày bắt đầu khai quật, tới 2007 mới bắt đầu nghiên cứu thì đã mất hai năm về vấn đề nhà quốc hội và một năm để chuẩn bị đại lễ. Trong khi đó, kinh đô Nara (Nhật Bản) như mọi người đều biết đã được nghiên cứu tới sáu chục năm. Chưa kể việc khai quật ở đây lại quá đặc biệt. Nếu mỗi hố khai quật thông thường chỉ có diện tích chừng một trăm mét vuông, hố khai quật ở Hoàng thành Thăng Long lên tới cả ngàn mét vuông”, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành và cũng là Giám đốc Dự án nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long ngày nào, nói.

Theo TS Trí, dù những hiện vật độc bản quý nhất đã đem trưng bày trong triển lãm phục vụ đại lễ rồi bàn giao cho Hà Nội nhưng những hiện vật trung tâm đang quản lý cũng có giá trị vô cùng to lớn. “Hiện Hà Nội giữ hơn hai trăm hiện vật của cuộc trưng bày do chuyên gia Pháp thực hiện và hơn bảy trăm hiện vật nữa trong trưng bày tại điện Kính Thiên. Việc chỉnh lý và mời chuyên gia thực hiện trưng bày trong đại lễ đều do VASS thực hiện. Ngoài giá trị từng hiện vật, gần một trăm két hiện vật VASS đang giữ còn mang ý nghĩa về tính phổ biến và riêng biệt sau khi chỉnh lý. Chẳng hạn, tại cuộc trưng bày trong đại lễ có hai đầu rồng mang phong cách khác nhau tuyệt đẹp. Chúng tôi còn nhiều loại đầu rồng khác nữa. Số đầu rồng này hiện nay nhiều đến mức chưa thể đếm hết ngay được”, TS Trí nói.

 
Chuyên gia Viện Khảo cổ học đang giới thiệu giá trị của Hoàng thành - Ảnh: Lưu Quang Phổ

“Lại nói tiếp chuyện đầu rồng, cũng cần nghiên cứu để biết được nó nằm ở đâu trên mái, quay đầu vào trong hay ra ngoài. Chính những phong cách nghệ thuật, hình dáng, cách tạo tác khác nhau của các đầu rồng, gạch, ngói sẽ cho thấy sự khác nhau của thời đại, của các tốp thợ để cho cách người xưa đã dồn tổng lực để xây nên Hoàng thành Thăng Long như thế nào”, ông nói thêm.

TS Trí cho biết Trung tâm nghiên cứu kinh thành sẽ mở đầu một cách chính danh cho ngành khảo cổ học cộng đồng. “Chúng tôi nghiên cứu khảo cổ học đô thị. Thực chất Viện Khảo cổ học cũng chưa có bộ phận nào riêng chuyên sâu khảo cổ học đô thị. Điều này sẽ giải quyết vấn đề không chỉ của Hoàng thành Thăng Long mà còn cho cả tương lai. Kết quả nghiên cứu cho phép hình dung đời sống của ông cha ta ra sao trong đô thị cổ, cũng như tương quan với các đô thị cổ khác trên thế giới. Từ đó, mới có thể phục dựng lại Hoàng thành Thăng Long”.

TS Trí đặc biệt tâm đắc với chức năng nghiên cứu đề xuất chiến lược quy hoạch bảo tồn của trung tâm. Điều này hứa hẹn Hà Nội sẽ không tái diễn  những vụ việc như “một đoạn Hoàng thành thời Lê bị xúc đổ” trên đường Hoàng Hoa Thám nữa.

Không “cố thủ” giữ di tích

Về tiến độ bàn giao toàn bộ di tích 18 Hoàng Diệu cho Hà Nội, TS Trí cho biết các nhà khảo cổ luôn nhận thức rõ chủ thể địa bàn chính là chủ của di sản dù họ nhận lại diện tích này từ Bộ Xây dựng. Do đó, VASS luôn sẵn sàng bàn giao bất cứ lúc nào nếu Hà Nội đáp ứng diện tích để chuyển kho hiện vật cũng như điều kiện ưu tiên việc nghiên cứu khoa học. Điều này, nguyên Chủ tịch VASS Đỗ Hoài Nam từng đề xuất trong văn bản. Hoàn toàn không có chuyện các nhà khảo cổ “cố thủ” giữ khu C-D của di tích tại 18 Hoàng Diệu.

Ngô An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.