Theo đó, tập đoàn Manka muốn nhập khẩu số lượng lớn các loại trái cây tươi và trái cây đã được chế biến, sấy, nước ép trái cây đóng chai… của Lavifood sang Nhật.
Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Lavifood cho biết, thị trường Nhật Bản đặt ra chế độ xét duyệt rất nghiêm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến từ trái cây. Nên việc thâm nhập thành công vào thị trường khó tính này đã giúp doanh nghiệp mở thêm cánh cửa xuất khẩu sang các nước phát triển khác như Mỹ và châu Âu. Đây là cơ hội rất lớn cho Lavifood nói riêng và ngành rau củ quả Việt Nam. Hiện Lavifood đã đầu tư vùng trồng nguyên liệu trái cây chế biến xuất khẩu tại Long An và Tây Ninh rộng hơn 5.000 hecta. Ngoài đưa trái cây và sản phẩm chế biến từ trái cây như nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo… ông Thắng cho biết năm 2019, công ty sẽ nhập khẩu trái cây từ Nhật, trước mắt là quả táo, lê, nho, để cung cấp vào hệ thống siêu thị Việt Nam.
Manka của Nhật là tập đoàn chuyên cung cấp nông sản, thu thập và cung cấp thông tin về lĩnh vực nông nghiệp và nông sản tại thị trường Nhật Bản. Năm 2017, doanh thu của tập đoàn đạt 350 triệu USD (25 tỉ yen), lớn thứ 2 Nhật Bản về cung cấp trái cây tươi trong siêu thị.
|
Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc VCCI TP.HCM nhận xét, ký kết này rất quan trọng, giúp ngành chế biến trái cây Việt có cơ hội tiến xa hơn vào thị trường Nhật và nhiều thị trường khó tính khác. Hiện đã có một số doanh nghiệp Việt xuất khẩu trái cây đi các thị trường phát triển rất tốt như Hoàng Anh Gia Lai, Unifarm. 70% chuối vào thị trường Hàn Quốc của Unifarm được công ty Dole của Mỹ bao tiêu dài hạn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trái cây, rau củ quả Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đang ngày càng tăng. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 170 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận (0)