Từ khi có súng đạn chi viện kịp thời, Khu 5 đã đánh thắng nhiều trận giòn giã. Địch lồng lộn đánh phá quyết liệt con đường vận chuyển đã hình thành. Chúng mở hai đợt chiến dịch "Hoành Sơn" với hàng ngàn lính chính quy và địa phương quân nhằm chia cắt, xóa sổ tuyến giao liên. Trước tình thế nghiêm trọng này, không thể vận chuyển trên tuyến đường cũ, Ban Cán sự quyết định mở đường mới. Nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ được cử đi soi đường ở tuyến đông Trường Sơn nhưng không có kết quả.
Với vai trò của mình, ông Võ Bẩm đã giải quyết tình huống sống còn này như thế nào?
Trong Lịch sử Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh cho biết cụ thể: "Tháng 8.1960, Đoàn trưởng Võ Bẩm vào làng Mít trực tiếp chỉ đạo tổ chức lực lượng soi đường mới dọc biên giới Việt - Lào, với phương châm "tránh địch, giấu dân", vừa tìm đường vừa gây dựng cơ sở. Mãi đến tháng 3.1961, tổ soi đường này mới bắt được liên lạc với đại diện Liên khu ủy 5 ở vùng Chun, trên dãy Trường Sơn" (tr. 58).
Trong hồi ký của mình, ông Võ Bẩm cho biết rõ hơn ý định này: "Trên tinh thần hữu nghị đặc biệt và tình quốc tế vô sản, lực lượng yêu nước Lào đã đồng ý cho ta lật cánh đường mòn sang phía tây Trường Sơn. Con đường sẽ đi qua vùng đất mà lâu nay ta vẫn giúp bạn xây dựng cơ sở giữ vững thành quả cách mạng ở trung và nam Lào. Bạn đồng ý cho ta mở đường này là tạo cho ta những thuận lợi to lớn, giúp việc chi viện miền Nam, có điều kiện mở rộng quy mô phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển ngày một lớn mạnh của cách mạng miền Nam trong cao trào đồng khởi. Con đường này, bọn ngụy Sài Gòn không thể chủ động quấy phá ta; bọn ngụy Lào không dễ dàng ngăn cản ta. Điều quan trọng hơn là từ lâu Tỉnh ủy Quảng Trị có mối hữu nghị mật thiết với những vùng dân cư biên giới giáp Lào".
Song song với việc triển khai tuyến đường mới, lật cánh sang tây Trường Sơn để phát triển tuyến chiến lược thì Đoàn 559 vẫn quyết định giữ lại tuyến đường cũ thăm dò quy luật hoạt động của địch để có hướng đối phó nhằm khôi phục lại.
Trong thời điểm này, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành "chiến tranh đặc biệt" và gấp rút triển khai chương trình bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Vì thế, "phòng tuyến chống xâm nhập" được chúng đặc biệt quan tâm. Ngoài việc rải thám báo, biệt kích dọc theo biên giới Việt - Lào mà trọng tâm là đường số 9 thì chúng còn tung Sư đoàn 1 ra Quảng Trị lập đồn bót tại La Vang, Đông Hà... Tháng 3.1961, chúng phối hợp với quân ngụy Lào đánh phá khốc liệt trên hành lang tây và đông Trường Sơn.
Trước tình thế này, ta ngưng chuyển hàng và tìm biện pháp đối phó.
Tháng 5.1961, công an vũ trang Vĩnh Linh cùng với Trung đoàn 270, nhân dân địa phương tổ chức đợt đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang ở khu vực phía tây đường số 9, buộc địch phải rút bỏ các vị trí A Rông, Tà Riệt, Nguồn Rôn, Tà Rụt... Cùng lúc liên quân Lào - Việt cũng phối hợp mở chiến dịch giải phóng đường số 9. Sau thắng lợi này, ta đã giải phóng một loạt căn cứ quan trọng nối liền vùng hạ Lào với miền Nam Việt Nam.
Thừa thắng xông lên. Tuyến đường mới được khẩn trương thực hiện. Lịch sử Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh cho biết: "Ngày 14.6.1961, tuyến mới chính thức bước vào hoạt động. Phần lớn đoàn 70 (tức đoàn 301) chuyển sang hoạt động ở tuyến này. Trên tuyến hành lang cũ chỉ còn một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ giao liên. Tuyến đường mới bắt đầu từ Vít Thù Lù (cao điểm 592) đi ngang qua động Vàng Vàng, bản A Chốc, vượt biên giới sang bản Tà Ha - cao điểm 1034 (đất bạn), xuôi xuống bản Tà Lăng, qua Cha Ky, vượt sông Sê Pôn, đường số 9 (vùng Bản Keng), men theo chân cao điểm 549, qua Sa Đi, Mường Noòng tới La Hạp.
Cuối năm 1961, một số vùng huyện miền tây Quảng Trị được giải phóng, Đoàn 559 có điều kiện phát triển tuyến hành lang dọc theo biên giới Việt - Lào. Từ La Hạp, Đoàn 70 mở thêm một đường nữa vượt sông Tam Luông, qua Ta Oác vào tới Pe Hai giao hàng cho Trị Thiên và
Khu 5. Một đường khác được phát triển tiếp vào Ton Sa, làng Y Óp (thượng nguồn sông Sê Công, tây bến Giàng khoảng 60 km) rồi vào Tăng Non, giao hàng cho Khu 5 và Tây nguyên. Các tuyến mới mở ở nam đường số 9 có rất nhiều đoạn khá bằng phẳng; bộ đội ta chỉ cần mở rộng đường và gia cố thêm là có thể sử dụng xe đạp thồ để chuyển hàng" (tr.71).
Những dòng tư liệu trên đây cho ta thấy từng bước phát triển của công việc vận chuyển trên đường Trường Sơn, từ chỗ năm 1959 bộ đội còn gùi hàng trên vai thì đến cuối năm 1961 đã dùng đến xe đạp thồ. Chiếc xe đạp thồ đầu tiên vào Trường Sơn là xe Favôrít có số khung là 20.220. Không dừng lại đó, có những tuyến đường ta còn sử dụng cả xe cơ giới.
"Đến cuối tháng 6.1961, đường mới mở nối liền đường 12 ở Lằng Khằng tới Pác Nha Năng và đến tháng 12.1961 đã thông tới đường số 9 ở Mường Phin. Tuyến đường này dài trên 180 km, mặt đường rộng 4 m, vượt sông Sê Băng Phai, sông Sê Băng Hiêng và nhiều suối nhỏ. Do nối đường 12 với đường số 9 nên đường này có tên là đường 129. Thông đường 129 là một bước phát triển quan trọng của tuyến chiến lược 559 - đường Hồ Chí Minh.
Từ thế độc tuyến Trường Sơn, Đoàn 559 đã mở thêm đường dọc theo biên giới Việt - Lào và đặc biệt quan trọng là đường tây Trường Sơn. Từ đơn thuần là đường gùi thồ nội địa và dọc biên giới, Đoàn đã tiến tới mở ở tây Trường Sơn đường cho xe cơ giới" (SĐD, tr. 74). Đó là lúc mà Đoàn đã được trang bị 6 xe Gát 69, 2 xe Gát 51, 16 xe Gát 63 và hơn 600 xe đạp thồ... Và lực lượng vận chuyển không còn phòng tránh lực lượng tấn công của địch mà họ còn được trang bị thêm súng bộ binh, lựu đạn đặng "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến"... (còn tiếp)
Bình luận (0)