Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn: Đào hầm xuyên qua đường số 9

29/05/2024 07:25 GMT+7

Với những chuyến hàng đầu tiên, đó là thời điểm đã chứng minh nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là đúng đắn: "Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc VN, quyết tâm đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn".

Để giữ bí mật tuyệt đối, lúc vượt đường 9 trong đêm tối, không trăng sao thì mỗi chiến sĩ gùi vác hàng phải bình tĩnh dò dẫm đặt đúng bàn chân của mình vào hai miếng gỗ đặt dưới mặt đất, người đi cuối cùng qua đường phải nhặt theo các mảnh gỗ đó. Nhờ thế, sáng hôm sau nếu địch có đi tuần tra thì cũng không mảy may phát hiện ra dấu chân nào của người lính để lại.

Võ Bẩm - Vị tư lệnh đầu tiên mở đường huyền thoại Trường Sơn: Đào hầm xuyên qua đường số 9- Ảnh 1.

Ông Võ Bẩm báo cáo tình hình tại hội nghị Đoàn 559 ở bắc sông Bến Hải

Gia đình cung cấp

Trong hồi ký Những nẻo đường kháng chiến, ông Võ Bẩm cho biết: "Khi vượt thượng nguồn sông Bến Hải, sông Ra Gã hoặc sông Đắk Krông... bộ đội phải dùng dây mây rừng buộc nối hai gốc cây giăng ngang sông, kết thân chuối rừng làm bè. Người vượt sông ngâm mình trong nước, kéo theo bè chuối chở súng đạn, men theo dây để sang sông. Hết sông sâu là núi cao, dốc đứng. Có những dốc cao, để vượt qua được, lúc đó bộ đội phải leo, nhích dần từng bước. Sau này anh em đã ghép ba hoặc bốn chiếc thang... nên mới có tên dốc là dốc Ba Thang, dốc Sáu Thang...".

Sau 8 ngày đêm gian khổ băng rừng lội suối, những người lính quả cảm, gan dạ phi thường đã đưa được chuyến hàng đầu tiên an toàn vào đến Tà Riệp - bắc A Lưới. Ông Nguyễn Vạn, Thường vụ khu ủy, đại diện Khu ủy Khu 5, xúc động nhận số hàng gồm 40 khẩu súng trường Mát, tiểu liên Tuyn, 10 thùng đạn và một ít quân dụng cần thiết. Tính đến hết tháng 8.1959, có 60 súng trung liên, 100 súng tiểu liên, súng trường và hàng ngàn viên đạn bộ binh được chuyển đến Khu 5.

Thắng lợi này đã mở ra triển vọng rất lớn nhằm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất, dễ lộ nhất vẫn là việc vượt đường số 9, cạnh đồn Rào Quản của địch. Qua những chuyến tải hàng lần sau, các chiến sĩ đã cải tiến bằng cách dùng một tấm ni lông trải qua đường, người vác hàng chạy trên đó, rồi người đi sau cùng sẽ cuộn lại đem theo. Nhưng về lâu dài xem ra cũng không ổn, sớm muộn sẽ bị lộ.

Do đó, khi báo cáo trực tiếp công việc với ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng, ông Võ Bẩm đã nêu ra nỗi lo lắng của mình. Ông Lê Duẩn lắng nghe chăm chú rồi phát biểu: "Các đồng chí vào đó nghiên cứu xem có thể đào đường hầm xuyên qua đường số 9 được không?".

Từ gợi ý sắc sảo này, ông Võ Bẩm chỉ đạo các chiến sĩ phải lưu ý tìm cho được một cống ngầm qua đường 9, vì thời trước khi thi công chắc chắn người Pháp đã làm không ít cống ngầm, có điều là ta chưa phát hiện ra thôi. Còn việc đào đường hầm thì không thể, vì sẽ gây tiếng động lớn và khó giấu đất đá. Quả nhiên, đúng như dự đoán trên, các chiến sĩ đã tìm ra cống ngầm cạnh đồn Rào Quán của địch. Đường kính cống chừng 1 m, chui qua khá vất vả nhưng lại an toàn, kín đáo suốt một thời gian dài mà địch không phát hiện ra.

Đối với tuyến vận tải bộ, sau khi đã ổn định, ngày 12.9.1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng; về Đảng, trực thuộc Tổng Quân ủy, với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vật chất, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam, từ Nam ra Bắc; vận chuyển và đảm bảo hậu cần cho Đoàn 959 chuyên gia giúp bạn ở mặt trận Hạ Lào. Cùng với quyết định này, ông Võ Bẩm cũng nhận được quyết định giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559.

Về phía địch, lúc này chúng cũng đã bắt đầu đánh hơi, phát hiện những hoạt động của ta. Do đó, chúng tăng cường "phòng tuyến chống thâm nhập". Một mặt bọn thám báo cải trang thành những người đi tìm trầm, phu đồn điền cao su, cà phê để phục bắt bộ đội, mặt khác chúng còn tăng cường xây dựng hệ thống đồn bót dày đặc dọc đường số 9, chỉ riêng đoạn từ Cam Lộ đi Lao Bảo đã có tới 7 đồn! Vào một đêm cuối tháng 10.1959, trong khi bảo vệ cho đội 6 và 7 giao hàng ở nam đường số 9, tổ trinh sát do thiếu úy Nguyễn Minh Thông (quê Nghi Lộc, Nghệ An) phụ trách đã lọt vào ổ phục kích của thám báo tại bờ sông Đắk Krông... Dù rơi vào thế bị động, nhưng các chiến sĩ trinh sát đã dũng cảm đánh trả, tạo điều kiện cho các chiến sĩ vận tải rút lui an toàn. Trong cuộc đối đầu quyết liệt này, thiếu úy Nguyễn Minh Thông hy sinh và anh là liệt sĩ đầu tiên trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Theo Lịch sử Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh: "Ngay sau những "sự cố" trên, tháng 10.1959 Đoàn 559 quyết định chuyển chỉ huy sở, hệ thống kho tàng, sở chỉ huy tiểu đoàn 301, đội 1 ra làng Mít (Quảng Bình). Sở chỉ huy mới nằm sát tả ngạn sông Kiến Giang, cách Bang Rợn 10 km về phía nam, cách đội 2 ở làng Mít (Vĩnh Linh) bắc sông Bến Hải một cung đường đi về khoảng 10 giờ. Đồng thời theo lệnh của Ban Cán sự, đội 12, tiểu đoàn 301 khẩn trương cơ động theo hướng tây tới khu vực làng Ho, tây Quảng Bình - cách thượng nguồn một nhánh khác của sông Kiến Giang, sát chân đỉnh núi 1001, khẩn trương xây dựng lán trại, kho tàng. Đây là khu vực Đoàn chọn làm hậu cứ cơ bản, thuận tiện cho việc cơ động ở cả hai hướng đông và tây Trường Sơn" (tr.46).

Tính đến hết năm 1959, chỉ với phương thức mang vác, Đoàn 559 đã chuyển cho Khu 5 và Trị Thiên được 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm ngàn viên đạn, hàng ngàn quân cụ thiết yếu... Đây cũng là thời điểm Bộ Chính trị quyết định mở thêm đường vận tải trên biển tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.