Mổ đứt dây chằng chéo: Bệnh viện 'phụ thu' 40 triệu đồng ngoài chi phí BHYT trả

Duy Tính
Duy Tính
04/07/2018 19:36 GMT+7

Tình trạng thu thêm ngoài bảo bảo hiểm y tế chi trả tại các bệnh viện (BV) ở Hà Nội hiện đang rất đáng báo động, từ BV Phụ sản Hà Nội, BV Xanh Pôn Hà Nội đến các BV tuyến T.Ư

Điều này được ông Lê Văn Phúc, Ban Chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nêu lên tại Hội nghị triển khai Thông tư 15/2018 vủa Bộ Y tế về thống nhất giá dịch vụ khám, chữa BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) trong một số trường hợp, diễn ra vào ngày 4.7 tại TP.HCM.
Theo ông Phúc, hiện nay tình trạng thu thêm chi phí vật tư y tế, kể cả vật tư y tế đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế được BHYT thanh toán nhưng BV thu thêm của người bệnh rất nhiều.
Ông chứng minh: Một người làm việc ở BHXH có vợ mổ tại BV Việt Đức do bị đứt dây chằng chéo, mặc dù có BHYT đúng tuyến nhưng người này phải trả thêm đến 40 triệu đồng. Ông Phúc đặt vấn đề: Không biết những cái thu đó gồm những cái gì ngoài BHYT thanh toán?
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại TP.HCM, với bệnh này, số tiền thu thêm ngoài BHYT chi cho người bệnh chỉ là 15 triệu đồng (nếu người không có BHYT thì đóng tổng cộng là 40 triệu đồng).
Ông Phúc đề nghị Bộ Y tế có kiểm tra, chế tài với những trường hợp thu thêm không đúng, bởi vì tình trạng thu thêm các BV ở Hà Nội hiện đang rất đáng báo động, từ BV Phụ sản Hà Nội, BV Xanh Pôn Hà Nội đến các BV tuyến T.Ư.
Ông Phúc cảnh báo, nếu không cẩn thận thì chỉ số chi trả tiền túi người bệnh sẽ tăng lên, tạo sự không công bằng trong chăm sóc y tế. Theo ông, cần ban hành công khai định mức kinh tế kỹ thuật (kể cả kỹ thuật dịch vụ, xã hội hóa), trước hết là để cơ sở KCB biết thực hiện và người bệnh biết. Bởi hiện nay người bệnh không biết được mình đang thụ hưởng gì khi vào BV.
Bên cạnh đó, ông Hà Thái Sơn (Cục quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế) cũng cảnh báo tình trạng bác sĩ khám qua quýt cho người bệnh khá phổ biến. Theo ông Sơn, nếu một ngày khám từ 70-100 bệnh nhân/bàn khám thì việc hỏi bệnh, khám lâm sàng người bệnh không được kỹ lưỡng, dẫn đến chỉ định các cận lâm sàng không được chuẩn xác. Bản thân ông đã từng thử đi KCB và cũng đã thấy điều đó. Do vậy, các cơ sở KCB phải thực hiện theo Thông tư 15 là khám dưới 65 lượt/ngày/bàn khám.
Thứ Trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhìn nhận, mặc dù việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế trong Thông tư 15 sẽ làm giảm nguồn thu của các cơ sở KCB, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người dân khi đi KCB, đảm bảo dịch vụ KCB chất lượng.
Lý giải về việc ban hành thông tư này, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm đảm bảo sự cân đối quỹ BHYT và để phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở KCB cần cân đối chi phí của đơn vị mình, thậm chí là cắt giảm những chi phí không cần thiết để đảm bảo hoạt động, nhưng tuyệt đối không được bớt xén quyền lợi của người bệnh.
Thông tư 15 (thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015) điều chỉnh giá một số dịch vụ KCB trong đó có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm trung bình từ 5% đến 24%, gồm: giá khám bệnh, giá ngày giường và giá các loại xét nghiệm; có 9 dịch vụ điều chỉnh tăng khoảng 5%, là giá giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu. Thông tư 15 cũng bổ sung giá của 9 loại dịch vụ kỹ thuật mới giúp những bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán. Việc điều chỉnh giá lần này sẽ làm giảm chi phí, góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Thông tư 15 có hiệu lực kể từ ngày 15.7 này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.