Những đối tượng sẽ tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ ngày 1.7 gồm: người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người hưởng lương theo chế độ nhà nước quy định, người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết luật BHXH 2014 quy định, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Riêng với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đóng theo mức lương cơ sở từng thời kỳ. Tỷ lệ đóng BHXH của NLĐ bằng 8% mức tiền lương tháng.
tin liên quan
Tự chủ tài chính không được lơ là an toàn người bệnhCách tính như sau: đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc là 1,39 triệu đồng/tháng (bằng lương cơ sở mới). Công thức tính: 1,39 triệu x 8% = 111.200 đồng/tháng. Đối với các đối tượng hưởng tiền lương do nhà nước quy định số tiền đóng được tính theo công thức: (lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1,39 triệuđồng/tháng) x 8%.
Trong trường hợp, nếu NLĐ trong doanh nghiệp, người hưởng lương theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định có tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 27,8 triệu đồng (tức hơn 20 lần mức lương cơ sở mới) thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc chỉ bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức là tối đa 1,39 triệu đồng x 20 x 8% = 2,224 triệu đồng/tháng.
Đối với người đi làm việc ở nước ngoài đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước khi đi nước ngoài làm việc. Nhưng nếu chưa từng tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia nhưng đã hưởng BHXH 1 lần thì mức đóng bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở. Như vậy, mức đóng trong trường hợp này là (1,39 triệu đồng x 2) x 22% = 594.000 đồng/tháng.
BHXH VN cho biết từ ngày 1.7 tới, mức đóng bảo hiểm y tế của một số đối tượng như: người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, hộ gia đình… sẽ điều chỉnh từ 58.500 đồng/tháng lên 62.550 đồng/tháng. Mức hưởng bảo hiểm y tế cũng có thay đổi, trong đó: số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm tài chính làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (6 tháng lương cơ sở) sẽ điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng; chi phí cho 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở cũng sẽ điều chỉnh tăng từ 195.000 đồng lên 208.500 đồng. Ngoài ra, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 58,5 triệu đồng lên 62,55 triệu đồng.
Bình luận (0)