Không ít người cho rằng trung tâm gia sư chỉ mang tính chất môi giới, còn gia sư là những người “đi dạy cho hết tiết”. Hiện ở TP.HCM có một người trẻ đã và đang cố gắng thay đổi định kiến này, đó là Trần Công Danh.
Một tiết dạy theo mô hình gia sư của Danh - Ảnh: X.P
|
Danh là cựu du học sinh Trường Université de Reims Champagne - Ardenne (Pháp). Anh kể bản thân từng trải nghiệm làm gia sư từ năm lớp 11 và trải qua nhiều môi trường khác nhau, kể cả ở VN lẫn Pháp. Khi so sánh công việc gia sư giữa hai nước, Danh nhận thấy có sự khác nhau rõ rệt.
Ở Pháp, gia sư được xem là một nghề trí óc, tốn ít thời gian, thu nhập khá. Chưa kể nghề này được định hướng rất tốt, có quy trình bài bản.
Còn tại VN, sở dĩ nghề này bị cho là tiêu cực vì nhiều trung tâm gia sư chỉ trục lợi, quan tâm đến lợi nhuận. Trung tâm không kiểm tra trình độ của gia sư, thậm chí tạo điều kiện để gia sư mạo danh “sinh viên đóng vai giáo viên, giảng viên”. Sau đó, các trung tâm thu 40 - 50% tiền tháng lương đầu tiên từ gia sư đăng ký dạy, rồi thả nổi chất lượng giảng dạy. Không chỉ vậy, nhiều gia sư còn dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, dù học sinh không chịu học, không nghe lời; thậm chí nhiều người có suy nghĩ dạy sao cũng được, cuối tháng vẫn nhận lương… Từ đó làm nảy sinh nhiều tiêu cực như: gia sư dỏm, học sinh và phụ huynh mất tiền nhưng kết quả học tập không hiệu quả.
Vì vậy, Danh quyết định áp dụng mô hình gia sư của Pháp tại VN bằng cách mở trung tâm gia sư. Khi đến trung tâm của Danh để đăng ký làm gia sư, nơi đây yêu cầu phải nộp kèm CV (tóm tắt bản nhân, quá trình được đào tạo và liệt kê các kinh nghiệm làm việc dùng để xin việc làm - NV), lý lịch tư pháp...
Tiếp đó, ứng viên phải trải qua hàng loạt quy trình tuyển chọn gắt gao: kiểm tra kiến thức bộ môn dự định dạy, những kỹ năng cần thiết, cách ứng xử với nhiều tình huống sư phạm.
Theo Danh, sở dĩ có quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng, tìm hiểu về lý lịch tư pháp, là nhằm đảm bảo tính an toàn khi gia sư bước vào nhà khách hàng, tránh những trường hợp trộm cắp hoặc vi phạm pháp luật.
Không chỉ vậy, đội ngũ gia sư sẽ tiếp tục trải qua khóa tập huấn từ các chuyên gia tâm lý, giáo dục. Nói về điều này, Danh cho rằng sẽ tạo nên những gia sư thật sự chất lượng, có thể truyền đạt tốt về mặt kiến thức lẫn nắm bắt tâm lý của học sinh, đồng thời có thể tháo gỡ những tình huống khó khăn như: làm sao để dạy học sinh yếu kém vì mê game? Cách xử lý khi học sinh ngỗ ngược không chịu nghe giảng? Làm gì để giúp những học sinh chán học vì bố mẹ ly hôn?
Khi được nhận làm gia sư của trung tâm sẽ không phải đóng phí, có công việc ổn định. Danh cho rằng điều này “có thể tạo ra trong hệ thống nghề nghiệp VN một nghề ổn định”.
Về quy trình giảng dạy của mô hình này, Danh cho biết trước khi nhận lớp giảng dạy, gia sư sẽ cùng phụ huynh và học sinh đánh giá lại thực tế hiện tại: môn học đang yếu kém, lý do dẫn đến thực trạng này, đồng thời xác định mục tiêu, đưa ra lộ trình học tập phù hợp, rõ ràng.
Ngoài ra còn có công cụ quản lý và hỗ trợ trực tuyến. Theo đó, học sinh có sổ liên lạc trực tuyến, tự sắp xếp thời khóa biểu. Sau mỗi buổi dạy gia sư sẽ nhắc nhở, ghi chú, đánh giá thái độ học tập, khả năng tiếp thu… của học sinh để phụ huynh có thể theo dõi, quản lý kiểm tra và đốc thúc tình hình học tập của con mình.
Ý KIẾN
“Định hướng của mô hình gia sư này giải quyết được vấn đề người dạy có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, vấn đề quản lý về mặt con người và về việc học; đồng thời tránh được thực trạng chỉ đơn thuần đóng vai trò môi giới phổ biến hiện nay. Nếu mô hình giải quyết tốt được mối quan hệ giữa gia sư với học sinh và phụ huynh, đồng thời có chiến lược phù hợp với nguồn lực nhân sự và tài chính của mình, tôi tin rằng mô hình này sẽ phát triển tốt”.
Nguyễn Ngọc Sơn
(Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực HRDC, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM)
Hài lòng với cách làm việc chuyên nghiệp và đồng hành trong việc trao đổi tư vấn của trung tâm đối với phụ huynh, giúp phụ huynh có định hướng tốt hơn trong việc phối hợp với giáo viên trong vấn đề giáo dục cho con. Tôi cũng thấy con mình có sự thay đổi về động lực học tập, hứng thú học tập nhiều hơn, học tốt hơn.
Nguyễn Phi Hồng Thảo
(Phụ huynh học sinh, Trường tiểu học Trương Văn Thành, Q.9) Giáo viên dạy rất nhiệt tình và có thể thoải mái trao đổi cũng như khắc phục được những lỗi giao tiếp khi học kèm tại đây. Trong quá trình học luôn được sự quan tâm của đội ngũ quản lý học vụ.
Nguyễn Hoài Ân
(Nhân viên một công ty truyền thông đang luyện thi Toeic) |
Bình luận (0)