Một phần trong số những bức ảnh đó được trưng bày tại triển lãm cũng tên đang diễn ra tại Ngon Garden (Hà Nội).
Trong giới chụp ảnh, nhiều người biết rõ Hà Tường, nhưng với đa phần công chúng, chưa nhiều người biến đến ông. Đây là lần đầu tiên, triển lãm ảnh của ông mới được tổ chức, khi nhà nhiếp ảnh này đã gần 80 tuổi. Lý do ông đưa ra là vì “giờ mới có điều kiện để làm”.
Có lẽ đó chỉ là một phần, phần nữa là vì trước nay, Hà Tường chỉ quan niệm chụp ảnh cho vui, chứ không nghĩ đến việc đưa đến với công chúng. Dù rằng, ông là người sở hữu một kho ảnh đồ sộ với nhiều hình ảnh quý và hiếm. Ông ngại ồn ào và muốn ẩn mình.
|
Ống kính của Hà Tường đã thu vào hầu hết những gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu, từ văn chương, thi ca, báo chí, dịch thuật, hội họa, sân khấu, điện ảnh đến cả những học giả, nhà khoa học, triết học, lịch sử, dân tộc học…
Có thể kể đến như bộ tứ bậc thầy hội họa Việt Nam là Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà thơ Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà dân tộc học Từ Chi. Những bức ảnh được chụp trong suốt 20 năm, từ năm 1975 - 1995, bằng phim đen trắng.
|
Mối duyên với văn nghệ sĩ của ông đến từ mối quan hệ bắc cầu, kiểu chơi với người nọ thành chơi với người kia. Hà Tường chơi với nhiếp ảnh gia Võ An Ninh từ những năm 1962 - 1963, sau đó chơi với nhà sử học Đào Duy Anh, rồi đến nhạc sĩ Văn Cao,… và cứ như vậy, ông quen biết và chơi với nhiều người trong giới văn nghệ, học giả.
|
Trong số những nhân vật Hà Tường đã chụp, người khó tính nhất có lẽ là nhà văn Nguyễn Tuân. “Chụp ông Tuân không phải đến mà chụp được. Lúc tôi đến, ông hỏi han để biết mình quan hệ với những ai, rồi thử xem trình độ của mình xem như thế nào.
Lúc tôi với ông Tuân ngồi nói chuyện về Chùa Đàn, hay Chén trà trong sương sớm là ông thích lắm, còn mang quyển Ký sông Đà ra tặng. Mà đến gặp ông Tuân lần nào cũng gặp ông Bổng (nhà văn Đoàn Văn Bổng - phóng viên). Họ gắn bó với nhau lắm”, Hà Tường kể.
|
Ông Tường nhớ thế kỷ trước, giới văn nghệ sĩ đa phần là nghèo, đến mức “hắt xì hơi ra nước”. Mỗi lần họ gặp nhau thường chỉ có chén rượu, chén trà, rồi nói chuyện phiếm với nhau.
Chỉ vào bức ảnh có nghệ nhân Quách Thị Hồ, ông Văn Cao và nhiều văn nghệ sĩ ngồi quanh và kể: “Ông Văn Cao thường viết giấy mời "mời anh đến nhà tôi có chương trình", nên khi đến, tôi mang máy ảnh chụp. Họ ngồi giao lưu, nói chuyện, còn mình cứ chụp thôi”. Trong trí nhớ của Hà Tường, nhà nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Tiến quân ca, luôn có nhiều khách đến chơi, đến thăm thường xuyên.
|
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện nhiều lần trong cuốn sách ảnh của Hà Tường. Ông nhớ, thường mỗi dịp ra Hà Nội, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến gặp gỡ với mọi người rồi hay hát bài Cát bụi.
“Ông Sơn rất hay hát bài này, hát xong không nói gì. Tôi nghĩ, những người ở đó họ đã hiểu rồi, không cần nói ra”, Hà Tường nói.
|
|
Hà Tường kể, ông chụp ảnh từ khi mới 18 tuổi. Niềm đam mê chụp ảnh của ông ảnh hưởng từ người anh là phóng viên. Ông nói, chụp ảnh chỉ để chơi, còn nghề “nương” vào để tồn tại là nghề cơ khí. Có bao nhiêu tiền ông cũng dành để mua phim.
Số tiền mua phim của ông trong những năm trước tính ra có thể mua được 2 căn nhà trên phố cổ. Nhưng cả Hà Tường và vợ ông đều không… tiếc. Vợ ông cười bảo: “Khi lấy ông này, tôi đã biết ông ấy là thế rồi”.
Bình luận (0)