“Không, thời đó không khuyến khích vẽ nude. Thập niên 70 vẽ khỏa thân hay trừu tượng cũng nguy hiểm”, ông Lưu Quốc Bình - con trai họa sĩ Lưu Công Nhân chậm rãi nói. Ông Bình cũng cho biết, thậm chí, bất chấp việc mỗi nghệ sĩ đều rất muốn khoe tranh của mình, việc ông Nhân cùng nhóm nhỏ bạn bè xem tranh nude mới sáng tác cũng cực hiếm. Nhưng giờ đây, rất nhiều bức nude được sáng tác lặng lẽ như thế của họa sĩ Lưu Công Nhân lại xuất hiện trong triển lãm Nét, đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, B1-R3 Vincom Royal City, Hà Nội.
Trong nhóm những sáng tác nude này, có thể nhìn thấy dấu ấn của hai cách khai thác đề tài khác nhau. Một, ông sử dụng mực nho vẽ với những nét phóng khoáng. Những bức vẽ như thế gợi hình rất duyên, mạnh mẽ.
Ở cách khai thác còn lại, ông sử dụng những mảng màu đậm nhạt để tạo khối, cho thấy một tay nghề hình họa kỹ lưỡng và cảm xúc dịu dàng. Khuôn mặt người mẫu được phác ước lệ, hay tả thực đều mang một vẻ bình thản, đôi mắt hơi xếch rất Á Đông. Ông duy trì được sự bình thản đó qua nhiều chất liệu, dù là mực nho hay sơn dầu.
Đặc biệt hơn, với kỹ thuật vẽ của ông, chúng gần như đều tạo một hiệu ứng trong veo và tản màu rất mỏng như thể bằng một chất liệu nhẹ và dễ bay lên như màu nước. Những bức nude trong triển lãm của ông có nhiều tông màu, cũng có độ dày mượt khác nhau của chất liệu, nhưng sự trong veo luôn vậy, không thay đổi. Có lẽ, nó bắt nguồn từ chính cái nhìn của nghệ sĩ.
tin liên quan
Tranh nude được triển lãm, ảnh nude thì... chờTriển lãm Phượng với chủ đề nude (khỏa thân) đang diễn ra từ ngày
12 - 18.7 tại Hà Nội cho thấy nhà quản lý văn hóa đã có cái nhìn thoáng
hơn về tác phẩm nghệ thuật nude.
Tất nhiên, triển lãm mang đến cho công chúng rất nhiều tác phẩm nude, người xem cũng được xem Lưu Công Nhân, một trong những họa sĩ tiêu biểu của hội họa tả thực một thời, ở một vài bức tĩnh vật, phong cảnh nữa. Đặc biệt, bức Bình dân học vụ - một tác phẩm giàu chất tả thực cũng được bày tại đây.
Ông Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm cho biết, ông chọn được 57 bức từ bộ sưu tập 400 bức của nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng. Gần 10 năm đeo đuổi lời hứa với chính họa sĩ Lưu Công Nhân - mang tranh ra triển lãm ở Hà Nội, ông Cương đi nhiều, tìm kiếm nhiều. Khi gặp bộ sưu tập của ông Hưởng do chính con trai ông Nhân giới thiệu, ông Cương hoàn toàn yên tâm về độ tin cậy thật giả của tranh. “Anh ấy chỉ sưu tầm tranh của một người. Anh ấy mua trực tiếp tranh của tác giả. Và cuối cùng là anh ấy không bán”, ông Cương nói.
Các tác phẩm của ông Nhân hiện phần lớn nằm trong các sưu tập ở phía Nam, nơi ông làm việc cuối đời. Vì thế, Nét thực sự là một cơ hội cho công chúng ở Thủ đô, nếu muốn được xem tranh Lưu Công Nhân.
Bình luận (0)