|
Bộ lịch Kiều khổ 1,2 m × 0,45 m này dự kiến phát hành năm tới nhằm vào đối tượng Việt Kiều và người nước ngoài hướng về văn hóa Việt Nam. Mới khởi đầu - vỡ vạc tư tưởng chủ đạo, các họa sĩ và nhà nghiên cứu đã va chan chát vì đề nghị Kiều sẽ phải mặc trang phục “năm Gia Tĩnh, triều Minh” bất chấp tinh thần “truyện Kiều còn, nước Việt còn”.
“Đọc Truyện Kiều, tôi sung sướng với từng câu chữ thấm đẫm tính Việt Nam. Vẽ nàng giống người Minh làm tôi sửng sốt. Thế là bôi nhọ cụ Nguyễn Du và ngôn ngữ văn chương Việt”, họa sĩ Phạm Công Thành, người từng bỏ ra 4 năm nghiên cứu Truyện Kiều bức xúc.
Nhưng nếu để Kiều mặc bất cứ thứ gì họa sĩ cho là đúng thì chính người sẽ đứng ra lo giấy tờ cho nàng cùng bộ lịch là ông Hoàng Điệp (Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học công nghệ CTCS) cũng chẳng yên tâm. Hiểu biết “lung lay” về phục trang các thời kỳ khác nhau thể hiện trên phim lịch sử nước nhà quá rõ.
Chưa kể, ngay cả việc trốn đi quần áo, để nàng Kiều tắm liên tục cũng khiến họa sĩ Nguyễn Văn Chung băn khoăn: “Tôi không hiểu Kiều nên tắm ngồi hay tắm đứng, tắm chậu gỗ hay chậu thau?”.
“Hội đồng khoa học” thiếu người
Chủ nhân ý tưởng bộ lịch, bà Đàm Thị Lam Luyến cho biết hiện mọi người mới chỉ bàn về chủ trương mà chưa đi vào chi tiết. Nhưng danh sách khách mời chỉ gồm các họa sĩ và nhà nghiên cứu mỹ thuật cũng cho thấy cuộc bàn bạc rất khó có chủ trương cụ thể.
Nếu chỉ xét từ sáng tạo mỹ thuật thì nên để tác phẩm bay bổng hơn, thậm chí có thể đương đại hơn, miễn có hồn dân tộc. Điều này tương tự như việc Ông Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm đã có thể thỏa chí tung tới 8 vó, 8 chân trong một tinh thần lập thể mà vẫn rất Việt Nam. Nó cũng giống như hình tượng chúa đã được Ý hóa trong khi ngài không phải là người Ý.
Còn nếu muốn có những minh họa khoa học chính xác, hội thảo nên mời liên ngành cả những nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống, nghiên cứu Hán Nôm, khảo cổ học… Một hội đồng như vậy mới bảo đảm hình dung khái quát về những điều có thể phát sinh. Còn nhớ, GS Trần Văn Khê vẫn cho rằng hình vẽ Thúy Kiều ôm đàn tỳ bà có thân đàn hình bầu dục là không chính xác vì truyện có ghi “Trên hiên treo sẵn cầm trăng”, mà cầm trăng là nguyệt cầm… Tuy nhiên, nàng vẫn tiếp tục ôm đàn này xuất hiện trong các tác phẩm hội họa.
Như thế, sự băn khoăn chưa có đáp án của cuộc đi tìm nàng Kiều còn cho thấy sự mò mẫm trong sáng tác của họa sĩ. Họ chưa có thói quen dựa vào nghiên cứu khoa học và xã hội nhân văn liên ngành. Mà theo nhà phê bình Thái Bá Vân, chính sự nghiên cứu, thói quen nghiên cứu ấy mới dẫn đến những tác phẩm “không miêu tả mà nói lên” sự thực tâm lý của nhân vật.
Cuộc tranh cãi về sống áo cụ thể của Kiều cũng còn cho thấy thói quen phê bình “hình thức chủ nghĩa” của một số nhà nghiên cứu về sáng tạo nghệ thuật. Chỉ yên tâm khi áo giống áo, quần giống quần, các nhà nghiên cứu định hướng họa sĩ tới sự an toàn hơn phá cách, sự chính xác hơn cảm xúc ngân vang. Sự khuôn sáo trong những tác phẩm mỹ thuật đặt hàng phần nào ra đời từ chính quan điểm hình thức cứng nhắc này.
Sự mò mẫm hình tượng Kiều nói cho cùng cũng chỉ phản ánh thực tại thiếu chủ động trong nghiên cứu và sáng tạo mỹ thuật. Nó khiến các tác phẩm mỹ thuật mang hơi thở thời đại giờ đây thật khó tìm.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)