Xếp lớp theo bài thi tự chọn
Ông Trần Đức Liên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu (Nghệ An), cho biết: Ngay từ trước khi học sinh (HS) lớp 12 bước vào năm học, trường đã tổ chức cho HS đăng ký nguyện vọng về bài thi tổ hợp để chia lớp theo bài thi tự chọn, thuận tiện cho việc vừa học vừa ôn thi luôn. Do vậy không phải chia lại lớp theo bài thi ở những buổi ôn tập nữa. Tỷ lệ lựa chọn bài thi môn khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH) cũng tương đối đồng đều, với 6 lớp HS chọn KHTN và 6 lớp chọn KHXH.
Ông Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 (Nghệ An), cho biết tỷ lệ HS chọn bài thi KHXH của trường năm nay cao hơn hẳn với khoảng 3/4 số HS lớp 12 chọn bài thi này, chỉ khoảng 1/4 HS chọn bài thi KHTN.
Hà Nội vừa kết thúc đợt khảo sát trên quy mô toàn TP với HS lớp 12 nhằm tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết kết quả bài thi này sẽ là một kênh thông tin quan trọng để Sở GD-ĐT và các nhà trường chỉ đạo dạy học và ôn tập phù hợp hơn trong giai đoạn nước rút.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay tỷ lệ HS lựa chọn tổ hợp thi tại trường mình năm nay cân bằng hơn so với năm trước. Cụ thể, trường có 488 HS thì 247 em đăng ký KHTN và 241 em đăng ký làm bài thi môn KHXH. “Ngay từ đầu năm trường đã khảo sát nhu cầu của các em xem định hướng ra sao, phân loại các em chọn tổ hợp thi nào để ổn định luôn. Do đó, việc tuyển sinh dễ dàng và không quá vất vả”, bà Nhiếp chia sẻ.
Không học sinh nào bị “bỏ quên” lại phía sau
Ông Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 (Nghệ An), chia sẻ với PV Thanh Niên: “Nếu cả trường có 5 - 7 em trượt tốt nghiệp có thể không sao nhưng nếu nghĩ sâu xa hơn, với một gia đình mà có con trượt tốt nghiệp sau 12 năm ăn học thì lại là vấn đề rất lớn, làm xáo trộn kế hoạch, dự định cho tương lai của các em. Do vậy, chúng tôi luôn tâm niệm trong suốt quá trình dạy học phải cố gắng để không HS nào bị “bỏ quên” lại phía sau nên có biện pháp dạy học với từng nhóm đối tượng HS để các em đạt kết quả cao nhất trong khả năng của mình”, ông Kỳ nói.
Chính vì vậy, theo ông Kỳ, trường đặt ra yêu cầu đối với giáo viên của từng lớp, khảo sát và phân loại đối tượng HS, những HS có nguy cơ trượt tốt nghiệp thì phải có kế hoạch dạy phụ đạo riêng để giúp các em có kết quả thi THPT ở mức đạt tốt nghiệp. “Trung bình mỗi môn có khoảng 5 - 10 HS/lớp cần phụ đạo để ít nhất là tránh bị điểm liệt với môn học đó. Việc dạy học phụ đạo này hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và miễn phí. Nhờ vậy mà từ năm 2015 đến nay trường không có HS nào trượt tốt nghiệp dù chỉ khoảng chưa đầy 50% HS lớp 12 thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh ĐH, CĐ”, ông Kỳ cho biết.
Tương tự, ông Lê Đăng Việt, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Nghệ An), cũng cho hay ngay từ đầu năm học đã khảo sát và phân loại HS và sẽ mở khoảng 3 lớp “chống trượt” hoàn toàn miễn phí cho HS. Lớp này sẽ học vào sau giờ học chính khóa, khoảng 60 phút/buổi. Do chất lượng đầu vào thấp nên có khoảng gần 1/2 số HS nằm trong đối tượng phải tích cực phụ đạo, sát sao ôn tập để không trượt tốt nghiệp. Thực tế những năm qua đã cho thấy hiệu quả của cách làm này, dù nhà trường và giáo viên sẽ phải vất vả hơn nhiều.
Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), theo Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm, do chất lượng đầu vào của HS quá thấp nên mục tiêu chính của trường là dạy học và ôn tập để HS đạt điểm tốt nghiệp, vực HS yếu kém. Ông Lâm cũng cho biết ngay sau khi Bộ công bố đề minh họa, trường đã cho giáo viên lấy đề thi đó trộn thành nhiều mã đề khác nhau và tổ chức thi thử nhiều lần để HS được tập dượt, làm đi làm lại dạng đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia. Trường sẽ tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 đến sát ngày thi. Có như vậy mới mong HS có được tấm bằng tốt nghiệp.
Băn khoăn cách thức tổ chức bài thi tổ hợp
Xung quanh thời gian và cách thức làm bài thi tổ hợp, ông Trần Đức Liên cho rằng việc làm bài thi tổ hợp trong 1 buổi và cùng 1 phiếu trả lời trắc nghiệm đã bộc lộ không ít bất cập sau 1 năm thực hiện.
Theo ông Liên, năm 2017 không ít HS chia sẻ với thầy giáo về việc làm 3 môn thi cùng một lúc rất vất vả và áp lực về thời gian. Tuy nhiên, điều ảnh hưởng tới sự công bằng trong kết quả làm bài thi là với những thí sinh chọn 1 môn thi trong bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp nhưng vẫn chú trọng và dành thời gian cho môn đó mà giám thị không kiểm soát được. Ví dụ, trong tổ hợp lý, hóa, sinh, thí sinh nào thi khối A1 truyền thống sẽ chỉ làm thật nhanh 2 môn là hóa và sinh để đủ đạt điểm tốt nghiệp, dành thời gian làm kỹ môn lý. “Vì 3 môn làm trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm nên giám thị rất khó kiểm soát HS có làm đúng môn theo thời gian quy định hay không”, ông Liên nói.
|
Bình luận (0)