Mục tiêu của chương trình là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cao, có khả năng nghiên cứu, quản lý, tổ chức, tư vấn, tham mưu và thực thi các vấn đề trong lĩnh vực quản lý văn hóa ở cấp vi mô và vĩ mô.
Ngành học xét tuyển với 3 môn thi đầu vào là ngoại ngữ (Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức), cơ sở văn hóa VN và lịch sử VN. Đây là mã ngành học thạc sĩ mới được mở và tuyển sinh năm nay.
Theo Khoa Lịch sử, kết quả đạt được sau khóa học là khả năng vận dụng kiến thức vào các lĩnh vực quản lý văn hóa như di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, quản lý lễ hội, quản lý các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các di sản kiến trúc, di sản Hán Nôm. Bên cạnh đó, người học cũng có khả năng phân tích thực trạng văn hóa và biến đổi của các thành tố văn hóa trong lĩnh vực quản lý: về truyền thông và văn hóa, vấn đề cộng đồng, văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Họ cũng có khả năng đề xuất mô hình, giải pháp quản lý văn hóa một cách hữu hiệu và phù hợp thực tiễn xã hội.
Chương trình có sự tham gia giảng dạy của nhiều chuyên gia văn hóa lịch sử như: GS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển), GS Lê Hồng Lý (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa).
Hiện tại, theo đánh giá của chuyên gia di sản văn hóa phi vật thể, VN đang thiếu hụt nhân lực có chất lượng về quản lý văn hóa, trong đó đặc biệt là về quản lý di sản văn hóa phi vật thể, trong khi lĩnh vực này lại đang là “điểm nóng” không chỉ của VN mà còn của thế giới. Bản thân VN cũng đang có những vấn đề mới nảy sinh như việc bùng phát cầu cúng, nạn đóng ấn xin ấn. Bên cạnh đó có những xu hướng văn hóa mới cũng cần được nghiên cứu như làm thế nào phát triển công nghiệp văn hóa, làm thế nào đưa di sản vào khai thác kinh tế mà không ảnh hưởng văn hóa…
Bình luận (0)