Mổ nội soi khớp gối

14/03/2010 11:25 GMT+7

(TNTT>) Phẫu thuật nội soi nói chung, nội soi khớp nói riêng là 1 tiến bộ và đang là xu thế của y học hiện đại.

Thể thao luôn được đề cao là “biệt dược” cho sức khỏe. Nhưng đi kèm theo nhiều ích lợi là những rủi ro có thể dẫn đến chấn thương, đặc biệt ở những môn có cường độ cao, nhiều va chạm. Khớp gối chính là khớp dễ bị tổn thương nhất, không chỉ trong thể thao mà cả ở những tai nạn trong đời sống thường ngày. Mổ nội soi hiện được xem là một giải pháp hàng đầu để điều trị những chấn thương khớp gối.

Kỹ thuật mổ nhiều ưu điểm

Phẫu thuật nội soi khớp gối là một kỹ thuật mổ ít xâm lấn, can thiệp một cách tối thiểu các thương tổn bên trong khớp gối. Qua lỗ rạch da nhỏ (khoảng 0,5 cm), bác sĩ chỉnh hình sẽ đưa ống kính soi y học vào bên trong khớp gối để có thể nhìn rõ toàn bộ các cấu trúc bên trong khớp. Như vậy nội soi như là bước định bệnh cuối cùng. Qua một lỗ nhỏ kế bên, bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ mổ chuyên dụng để xử lý, điều trị các bệnh bên trong khớp (như viêm khớp) và đặc biệt là những tổn hại bên trong khớp do chấn thương thể thao, tai nạn sinh hoạt, giao thông như các trường hợp đứt dây chằng chéo, dập rách sụn chêm (nêm), bể sụn khớp, hay các trường hợp sạn khớp, dị vật khớp gối…

Ưu điểm nổi bật và dễ nhận thấy của mổ nội soi khớp gối so với mổ mở trước đây là khớp gối không cần mổ rộng nên thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn, ít đau sau mổ hơn, gia tăng tỉ lệ thành công của phẫu thuật do ít sang chấn đụng dập mô mềm trong khi phẫu thuật. Chính vì những lý do này mà việc tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng khớp gối sẽ thuận lợi và nhanh hơn. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những vận động viên chuyên nghiệp hoặc những người hoạt động mạnh. Ngoài ra, sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ hơn .

Bệnh nhân thường xuất viện sau mổ 1-2 ngày. Điều này giúp giảm đáng kể chi phí nằm viện.

Bốn nguyên tắc "vàng"

Luôn phải khởi động.
Tập luyện thể thao đều đặn. “Lâu lâu” mới tập mà lại vận động mạnh dễ dẫn đến chấn thương.
Tập luyện theo khả năng của mình, không nên quá cố sức.
Hiểu rõ những nguy cơ chấn thương của môn thể thao mà mình đang tập luyện.

Những chấn thương mạnh, trực tiếp vào khớp gối rất dễ làm đứt dây chằng khớp gối. Tất cả các môn thể thao có cường độ vận động và va chạm mạnh đều có nguy cơ đứt dây chằng và bể sụn khớp gối. Các cầu thủ bóng đá, vận động viên bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, cầu lông… thuộc nhóm có nguy cơ cao. Tại Mỹ năm 2008 ước tính khoảng 750.000 ca phẫu thuật nội soi khớp gối, tại VN chúng ta tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ước tính có trên 1.000 trường hợp mổ nội soi khớp gối mỗi tháng.

Tại TP.HCM, hiện tại các bệnh viện có khoa chấn thương chỉnh hình đều đã triển khai phẫu thuật nội soi khớp.

Tránh nguy cơ chấn thương

Vì khớp gối là một khớp phức tạp trong số các khớp của cơ thể và là khớp dễ bị tổn thương nhất nên chúng ta cần quan tâm đặc biệt nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ chấn thương ở vùng này. Ngoài những tai nạn không thể lường trước được, để phòng ngừa, bắt buộc những người chơi thể thao cần phải làm nóng và mềm cơ trước khi tập luyện và thi đấu. Thời gian làm nóng tùy thuộc vào từng môn thể thao, cũng như cường độ tập luyện mang tính chuyên nghiệp hay chỉ dừng lại ở mức giải trí nghiệp dư. Thời gian trung bình tối thiểu từ 4-5 phút cho đến 15-20 phút tùy từng trường hợp.  

Tóm lại biết quan tâm và chăm sóc tốt khớp gối lúc khỏe mạnh thì mỗi chúng ta thực sự đã đề phòng  những bệnh lý và chấn thương gối, tránh được việc “mất bò mới lo làm chuồng”.

BS Lâm Quang Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.