Mở rộng 'bán điện cho hàng xóm' trong khu công nghiệp?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
25/09/2024 06:21 GMT+7

Dự thảo nghị định cơ chế điện mặt trời mái nhà sẽ mở rộng quy định cho phép giao dịch, mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Doanh nghiệp sốt ruột lắm rồi

Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà ngày 23.9, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị định, trình Chính phủ ban hành trong tuần tới.

Mở rộng 'bán điện cho hàng xóm' trong khu công nghiệp?- Ảnh 1.

Điện mặt trời mái nhà trong KCN giúp làm mát nhà máy, tiết kiệm điện, nâng cao tỷ lệ xanh trong hàng hóa sản xuất

Ảnh: H.HY

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ lưu ý nghị định cần khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của VN về điện mặt trời. Tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống này không dùng hết sẽ được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt với mức giá không vượt quá giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề. Đặc biệt, mở rộng quy định cho phép giao dịch, mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gọi tắt là KCN).

TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế VN, cho rằng việc Thủ tướng gợi ý nên mở rộng cho mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp trong KCN là rất cần thiết. Điện mặt trời muốn khuyến khích cần có cơ chế cho phép giao dịch, mua bán qua lại trong phạm vi KCN, tòa nhà, khu phố, khu chung cư… Điều này có thể gọi chung là bán điện cho hàng xóm, giúp giảm tải cho lưới điện quốc gia.

"Tôi rất lấy làm tiếc khi cơ quan quản lý bỏ qua quy định này thời gian quá dài. Nay Thủ tướng đã có lời, Bộ Công thương cần bổ sung quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trong KCN, cho giao dịch mua bán trực tiếp. Muốn vậy, phải khuyến khích doanh nghiệp (DN) làm điện mặt trời phủ hết diện tích mái, không hạn chế để công suất với giá bán bằng 90% giá điện bậc thang thấp nhất. Chính sách này không ai thiệt mà giúp dân giàu nước mạnh, nhanh chóng giải quyết vấn đề an ninh năng lượng. Các nhà máy, công xưởng trong KCN lắp được điện mặt trời mái nhà có thể giúp làm mát các máy công cụ rất tốt. Qua đó, giúp tăng năng suất lao động sản xuất phục vụ đời sống và xuất khẩu", TS Bá nói.

Thông tin tại một diễn đàn năng lượng mặt trời mới đây, đại diện Liên chi hội Bất động sản công nghiệp VN, cho biết gần 100% nhà đầu tư KCN đều quan tâm tới KCN sinh thái hay còn gọi là KCN xanh. Đặc điểm mô hình KCN xanh là bắt buộc ứng dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên. Tối thiểu 20% DN trong KCN phải áp dụng các giải pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch, thân thiện môi trường và giảm phát thải ra môi trường.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), phân tích: Để hàng hóa VN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu, bắt buộc DN sản xuất tại VN, đặc biệt trong các KCN phải dùng năng lượng sạch. Đến nay, thị trường châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác đã và đang đòi hỏi hàng hóa nhập khẩu và thị trường của họ phải có chứng chỉ xanh mới được ưu đãi thuế…

"DN trong các KCN cần tăng cơ hội tiếp cận năng lượng tái tạo để giúp chủ động sản xuất, tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập", ông Phòng nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (VITAS), khẳng định: Điện mặt trời mái nhà giúp tăng tính chủ động cho DN trong sản xuất kinh doanh. Vấn đề với ngành dệt may nói chung và nhiều ngành hàng xuất khẩu khác là liên quan các quy chuẩn hóa nhập khẩu. Thị trường châu Âu và Mỹ đã đưa ra những tiêu chuẩn kép, yêu cầu "xanh hóa" sản phẩm, tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tái tạo. Trong khi các mái nhà xưởng lớn, nhất là trong các KCN, việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời để sử dụng, chia sẻ với nhà máy bên cạnh trong KCN là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn cung năng lượng, tăng khả năng cạnh tranh về giá mà đáp ứng yêu cầu "xanh hóa" sản phẩm.

Để doanh nghiệp trong KCN tiếp cận được điện xanh sớm

Theo các chuyên gia, điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có tính chất phân tán và thuận tiện để tiêu thụ tại chỗ. Chi phí lắp đặt loại hình điện này đang ngày càng giảm, khiến giá thành loại điện này đang ngày càng rẻ đi. Đặc biệt, đây là nguồn năng lượng rất nhanh có nếu đầu tư và chia sẻ được nguy cơ thiếu điện trong tương lai.

GS-TSKH Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực, nhận định: Việc mua bán điện mặt trời mái nhà trực tiếp giữa nhà sản xuất và đơn vị có nhu cầu sử dụng là chính sách "đôi bên cùng có lợi" do không qua cơ chế kinh doanh. Trong các KCN, giao dịch này càng dễ thực hiện hơn và tính hiệu quả lại cao. Chẳng hạn, một nhà máy điện mặt trời trong KCN, trước khi đầu tư, với cơ chế mua bán trực tiếp rồi, họ có thể thương thảo cho đơn vị mua điện. Ký được hợp đồng mua bán điện trước khi sản xuất, trước cả quyết định đầu tư thì yếu tố rủi ro đối với nhà đầu tư rất thấp. Bên cạnh đó, chính đơn vị cho thuê lưới điện để truyền tải và phân phối là EVN cũng bớt áp lực. Ngoài ra, chủ đầu tư nếu có lưới điện thì càng không cần phải thuê lưới của EVN nữa, yếu tố chủ động giữa hai bên lại càng cao hơn.

"Việc mở rộng quy định liên quan mua bán điện trực tiếp trong KCN có thể hiểu không giới hạn công suất nhà máy bao nhiêu MW mới được tham gia mua bán trực tiếp. Trong khi cơ chế mua bán điện trực tiếp mới được ban hành giới hạn với khách hàng sử dụng điện lớn, việc cho giao dịch mua bán trực tiếp trong KCN có thể không có giới hạn. Đó là việc thuận mua vừa bán giữa 2 DN, một bên không có khả năng đầu tư lắp pin làm điện mặt trời, một bên có thừa điện thì bán bớt", GS Long nhận xét.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, bày tỏ sự sốt ruột khi cơ chế cho giao dịch, mua bán điện trực tiếp trong các KCN quá chậm. Ông nói DN sản xuất trong KCN, các chủ đầu tư KCN tại VN thiệt thòi khi cơ chế giao dịch, trao đổi năng lượng tái tạo chậm ban hành. Vì thế, gợi ý về điện mặt trời trong KCN của Thủ tướng cần được xem xét nghiêm túc, đưa vào dự thảo nghị định khuyến khích điện mặt trời áp mái sắp tới.

Hiện nay, VN cũng là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trên GDP cao trong khu vực châu Á. Chúng ta đã cam kết đạt mức 0% vào năm 2050, và để đạt được điều này, cần nhanh chóng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để giảm lượng carbon trong ngành điện khoảng 78%.

Các KCN là nơi tiêu thụ năng lượng nhiên liệu tăng mạnh trong bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài tăng. Trong khi đó, điện mặt trời mái nhà mang lại sự an toàn và tạo sự chủ động hơn cho nguồn điện của chính DN, đồng thời giúp KCN tuân thủ các quy định về môi trường, tạo lợi thế thu hút DN lớn ở trong và ngoài nước. Đáng lưu ý, nguồn điện mặt trời mái nhà giúp DN sản xuất tiết kiệm rất lớn chi phí điện năng. Thế nên, cần sớm đẩy nhanh cơ chế để các KCN được tiếp cận điện xanh. 

Tôi có dịp làm việc tại KCN Deep C (Hải Phòng) và DN Tepco của Nhật Bản, hoạt động kinh doanh chính là bán điện trong KCN. Hiện tại, KCN này đang triển khai 3 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 3 MW. Tính đến năm 2023, các dự án này tạo ra 5.800 MWh giờ điện. Với sản lượng như vậy, công ty giảm được chi phí 10 tỉ đồng tiền điện so với mua điện truyền thống. Trong đó, điện mặt trời mái nhà, DN nói đã tiết kiệm được 6,3 tỉ đồng. Đó cũng là con số biết nói trong bối cảnh DN cần tiết kiệm chi phí.

TS Nguyễn Quốc Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.