Bán điện mặt trời thoải mái nếu có pin lưu trữ?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
25/06/2024 06:20 GMT+7

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…) cho người dân lắp điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán lại cho Tập đoàn điện lực VN (EVN).

Nguồn điện mặt trời (ĐMT) từ pin lưu trữ có thể được mua với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm, tức là mức giá mua điện cao nhất trong ngày.

Chính sách 'đôi bên cùng có lợi'

Việc lắp điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) kết hợp với hệ thống pin lưu trữ điện sẽ tránh lãng phí nguồn điện dư thừa lúc cao điểm nắng nóng và bổ sung vào buổi tối, góp phần tạo sự ổn định cho hệ thống điện, tránh được tình trạng điện bị sập nguồn đột ngột do thời tiết.

Bán điện mặt trời thoải mái nếu có pin lưu trữ?- Ảnh 1.

Đầu tư điện mặt trời mái nhà thêm pin lưu trữ là xu hướng để có nguồn điện ổn định

NG.NGA

Ông Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia năng lượng, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, nhận xét: Đây là chính sách đôi bên cùng có lợi. Thực tế, từ sau năm 2020, khi chính sách giá FIT hết hiệu lực, không cho phát điện lên lưới nữa, nhiều nhà đầu tư ĐMTMN đã đầu tư kèm pin lưu trữ để sử dụng vào lúc không có ánh nắng mặt trời, đêm, ngày mưa… Ước tính khoảng 30 - 40% người lắp ĐMT có kèm pin lưu trữ từ sau 2020 đến nay. Nếu có chính sách ưu đãi cụ thể, giá mua tốt, chắc chắn tỷ lệ đầu tư pin lưu trữ để bán giờ cao điểm sẽ tăng mạnh, có thể lên 70 - 80% trên tổng nhà đầu tư ĐMT trong tương lai.

Theo ông Việt, hiện chi phí đầu tư pin lưu trữ giảm mạnh, công nghệ ngày càng cải tiến tốt hơn, giá tấm pin mặt trời cũng giảm… đã và đang hỗ trợ cho việc lắp pin lưu trữ gia tăng. "Xu hướng của thế giới là đầu tư ĐMT phải đầu tư pin lưu trữ, VN trước sau gì cũng phải có quy định bắt buộc này, không còn là khuyến khích. Bởi có pin lưu trữ giúp ổn định lưới điện tốt hơn và nguồn điện cũng được cải thiện hơn. Đây là chính sách hoàn toàn hợp lý trong thời điểm này, vừa hạn chế những rủi ro xảy ra đối với Quy hoạch điện 8, vừa khuyến khích được người dân sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng sạch, giúp cho nguồn điện, lưới điện trên cả nước được ổn định hơn và cải thiện ngày một tốt hơn", ông Nguyễn Quốc Việt phân tích.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, cũng bày tỏ sự đồng tình với đề nghị của Phó thủ tướng. Trước đây, Bộ Công thương luôn bảo lưu quan điểm ĐMTMN tự sản, tự tiêu là không được bán, hoặc bán với giá 0 đồng, bởi nếu cứ bán thì EVN bị lỗ nhiều do phải đầu tư nguồn điện nền phòng khi ĐMT bị cắt đột ngột do thời tiết.

"Nay với đề nghị của Phó thủ tướng, cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN nên có bổ sung quy định kèm theo. Ví dụ các hộ lắp ĐMTMN có công suất từ

1 MW trở lên, phải lắp song song pin lưu trữ. Có pin lưu trữ giúp tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm lượng khí thải và giảm chi phí sản xuất điện nói chung. Hiện chi phí đầu tư pin lưu trữ trong vòng 1 năm trở lại đây được các doanh nghiệp báo cáo là đã giảm đến một nửa, nếu đầu tư thêm sau khi đầu tư tấm pin mặt trời, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư. Do đó, cơ chế mua điện từ pin lưu trữ có cụ thể ưu đãi thuế, lãi suất và giá mua vào cao bằng giá mua lúc cao điểm… là hoàn toàn hợp lý. Trong thực tế khi thiếu điện, EVN phải mua điện từ nước ngoài, đầu tư lưới để đưa điện về hay huy động nguồn điện chạy bằng dầu…; tất cả đều có giá thành rất cao. Thế nên, nếu người dân đầu tư pin lưu trữ, bán cho EVN bằng giá huy động khung giờ cao điểm, vẫn tốt hơn các nguồn kia. Đây là phương án bảo đảm lợi ích hài hòa cho EVN, Bộ Công thương và đầu tư ĐMTMN", chuyên gia Ngô Đức Lâm nêu quan điểm.

Chính sách cần nhanh, ổn định để nhà đầu tư an tâm

Ủng hộ đề xuất mới, song nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự lo ngại cho chính sách liên quan ĐMT chậm, thay đổi liên tục khiến họ khó tính toán. Thực tế thời gian qua, nhiều người không dám đầu tư pin lưu trữ do giá thành cao mà không biết bán được hay không.

Bà Phan Thị Thanh Thảo, Giám đốc vận hành Công ty CP năng lượng IREX, thông tin chi phí đầu tư ĐMT có kèm pin lưu trữ (bao gồm tấm quang điện (pin mặt trời) và pin lưu trữ) hiện có mức giá dao động từ 18 - 25 triệu đồng/kWh. Riêng bộ pin lưu trữ gồm pin lưu trữ, inverter hybrid, tủ điện, phụ kiện… có giá dao động khoảng 50 - 60 triệu đồng/hệ 5 kWh (công suất trung bình phổ biến). Như vậy, để sở hữu hệ thống pin mặt trời và bộ pin lưu trữ 5 kWh, hộ gia đình đầu tư khoảng 100 triệu đồng. So với mức giá năm 2019, giá tấm pin mặt trời nay giảm nhiều, thấp hơn 25 - 30%. Còn so với năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19 dẫn đến cơn khát tấm pin mặt trời trên toàn cầu, giá hiện nay chỉ bằng một nửa. "Đây là thời điểm lý tưởng để đầu tư ĐMTMN có pin lưu trữ, hỗ trợ tối đa cho việc thiếu điện. Giai đoạn này, nguồn cung pin cũng như công nghệ pin lưu trữ đã phát triển rất ổn định. Cái mà nhà đầu tư cần là chính sách ổn định, có tính lâu dài", bà Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Thảo, ngành công nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời cũng như pin lưu trữ trước đây chủ yếu dùng hàng nhập khẩu. Các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy đây là thị trường hấp dẫn nên

ồ ạt đầu tư vào VN sản xuất pin mặt trời. Thế nên, các nhà sản xuất trong nước với quy mô nhỏ cũng gặp không ít khó khăn trong cạnh tranh, từ giá thành đến quy mô cung ứng sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước chọn một hướng khác, đó là chú trọng đến dịch vụ, cam kết và cá nhân hóa sản phẩm/giải pháp mang lại nhiều giá trị hơn cho khách trong suốt vòng đời dự án thay vì chạy theo giảm giá để cạnh tranh hàng nhập khẩu.

"Theo tôi, xu hướng ĐMT có lưu trữ đang được quan tâm nhiều, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Đầu tư ĐMTMN rồi, có pin lưu trữ để dùng đã là tốt, nếu lưu trữ còn bán được thì chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư an tâm hơn. Nếu đã có ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ rồi, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý có quyết sách sớm để nhà đầu tư pin lưu trữ, pin mặt trời, nhà sản xuất cần tín chỉ xanh, người lắp ĐMTMN… yên tâm triển khai, mở ra thời kỳ mới cho năng lượng xanh", bà Thảo kỳ vọng.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhấn mạnh: Nếu có chính sách rõ ràng cụ thể, mua ĐMT được lưu trữ bằng pin với giá thế nào…, chắc chắn cục diện bức tranh về đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo của VN sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực, theo xu hướng thế giới. Trước lo ngại về xử lý về môi trường đối với pin lưu trữ, theo ông Lâm là "không có gì lớn". Bởi có phương án tái chế được tấm pin mặt trời, thì việc xử lý môi trường với pin lưu trữ cũng có phương án. Quan trọng là tính an toàn trong phòng chống cháy nổ. Vì thế, các quy định về chất lượng pin, cấp giấy phép nhập pin, kiểm định cũng như phương án tái chế khi hết sử dụng phải rõ ràng, minh bạch. 

Chính sách khuyến khích đầu tư pin lưu trữ với năng lượng tái tạo cũng là cách huy động nguồn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng. Nên có quy định chỉ lưu trữ nguồn để có thể bán chiếm khoảng 20% tổng công suất đầu tư. Chính sách cần rõ ràng trong việc có đầu tư pin lưu trữ mới bán được lên lưới điện. Đầu tư pin cũng coi như khoản đầu tư ban đầu cần thiết.

Ông Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia năng lượng, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.