Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vừa được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt thì đến năm 2020, TP.Mỹ Tho sẽ là đô thị loại 1 và là trung tâm thương mại dịch vụ, công nghiệp, du lịch sinh thái của khu vực bắc sông Tiền.
4 khu đô thị mới
TP.Mỹ Tho hiện có 11 phường và 6 xã. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hình thành thêm 6 phường mới, gồm: Bình Tạo, Trung An, Trung Lương, Thạnh Mỹ, Thạnh Phong, Đạo Thạnh và sau năm 2020 sẽ tách lập thêm 2 phường Trung Chánh và An Trung. Cùng với việc chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu, đô thị Mỹ Tho trong tương lai sẽ được mở rộng về hướng tây và bắc, đồng thời với việc phát triển thêm 4 khu đô thị mở rộng.
Theo đó, khu đô thị trung tâm Mỹ Tho hiện hữu sẽ bao gồm các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7; một phần phường 8, 9, phường Thạnh Phong và Thạnh Mỹ. Quy mô đất xây dựng 1.760 ha. Khu đô thị công nghiệp, dịch vụ phía tây thuộc các phường Bình Tạo, Trung An và một phần xã Phước Thạnh với quy mô đất xây dựng 330 ha. Khu đô thị thương mại, dịch vụ tây bắc thuộc các phường An Trung; một phần phường Trung Lương, Đạo Thạnh, phường 10 và một phần xã Lương Hòa, với quy mô đất xây dựng 350 ha và đến năm 2030 là 795 ha.
Một góc TP.Mỹ Tho hiện hữu - Ảnh: Hoàng Phương
|
Khu đô thị hành chính, dịch vụ phía đông bắc thuộc một phần các phường Thạnh Mỹ, Thạnh Phong, Đạo Thạnh và một phần các xã Lương Hòa, Mỹ Phong và Tân Mỹ Chánh, với quy mô đất xây dựng 200 ha (2020) và 505 ha (2030). Khu đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía đông thuộc một phần phường 9, một phần phường Trung Chánh và một phần các xã Thạnh Phong, Tân Mỹ Chánh với quy mô đất xây dựng 260 ha. Khu đô thị này gắn với các trục không gian chính như đường Nguyễn Trung Trực nối dài, đường vành đai 1 (QL50) và đường vành đai 2...
Theo quy hoạch, trung tâm hành chính và dịch vụ công cộng của tỉnh là quảng trường trung tâm tại khu đô thị đông bắc và trung tâm hành chính TP.Mỹ Tho tại khu đô thị tây bắc. Ngoài trung tâm thương mại, dịch vụ trên trục QL1 tại khu đô thị tây bắc và ven sông Tiền tại khu đô thị phía đông, sẽ đầu tư xây dựng mới các công trình như khu thương mại Tân Mỹ Chánh, chợ trái cây P.2 (trên cơ sở dời chợ trái cây P.4), chợ đầu mối rau quả P.6, chợ Phước Thạnh, chợ Thới Sơn và trung tâm thương mại Trung An… Xây dựng mới cụm rạp chiếu phim tại khu vực bờ kè sông Tiền, P.6.
Thêm nhiều tuyến giao thông
Ngoài 2 bến xe liên tỉnh được xây dựng tại cửa ngõ khu đô thị phía tây bắc và khu đô thị phía đông, dự kiến sau năm 2020 tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ có nhà ga tại P.Trung Lương.
Về mạng lưới giao thông, sẽ hoàn chỉnh các công trình trọng điểm như kết nối tỉnh lộ 870B với nhánh rẽ đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, đồng thời phát triển tuyến đường vành đai 2, bao gồm các tỉnh lộ 870B, 870, 864 và đường Lê Thị Hồng Gấm… nhằm tạo hành lang phát triển đô thị mở rộng. Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường trục đô thị bắc - nam và đông - tây nối liền khu đô thị trung tâm hiện hữu với các đô thị mở rộng.
Về không gian phát triển, vùng nội thành sẽ chia thành 2 tiểu vùng: tiểu vùng đô thị hiện trạng, bao gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và Tân Long với chức năng trung tâm hành chính, chính trị đến năm 2020. Tiểu vùng đô thị mở rộng, với các phường Bình Tạo, Trung An, Trung Lương, Thạnh Mỹ, Thạnh Phong, Đạo Thạnh, có chức năng trung tâm phát triển đô thị mở rộng và dự kiến khu hành chính mới của tỉnh, TP.Mỹ Tho sau năm 2020 với các khu dân cư nhà vườn, khu dân cư công nghiệp, trung tâm thương mại và trung tâm hành chính mới.
Ngoài các tuyến QL50, tỉnh lộ 864, đường Lê thị Hồng Gấm và QL60 bao quanh khu đô thị trung tâm hiện hữu, việc mở rộng 4 khu đô thị mới sẽ hình thành một vành đai các đô thị bao quanh khu đô thị trung tâm. Vì vậy, việc nối dài tỉnh lộ 870B kết nối với nhánh rẽ đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ được xem là tuyến đường vành đai quan trọng nối liền khu đô thị phía tây với các tỉnh vùng châu thổ sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận (0)