Mở rộng không gian phát triển kinh tế

19/06/2023 06:18 GMT+7

Bấm nút khởi công đồng loạt 3 dự án trọng điểm với tổng chiều dài khoảng 247 km và tổng mức đầu tư khoảng 115.000 tỉ đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bài học kinh nghiệm và thành công từ những dự án được áp dụng cơ chế đặc thù này sẽ mở ra lối đi mới trên hành trình đạt mục tiêu hoàn thiện 5.000 km đường cao tốc từ nay đến 2030.

Lễ khởi công 3 dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sáng qua (18.6) được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP.HCM cùng các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa-Vũng Tàu, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các cấp T.Ư và địa phương.

Mở rộng không gian phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công đồng loạt 3 dự án trọng điểm

TTXVN

Đồng lòng cam kết đưa dự án "về đích" đúng hẹn

Giới thiệu tổng quan các dự án từ điểm cầu chính TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết đến nay, ngành GTVT đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.729 km đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, vùng động lực kinh tế Đông Nam bộ mới chỉ có 147 km đường cao tốc, vùng tiềm năng Tây nguyên cũng mới chỉ có 19 km đường cao tốc. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, các dự án hôm nay đồng loạt triển khai có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, hình thành tuyến đường vành đai, các trục cao tốc ngang và dọc, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, cảng hàng không, đặc biệt là cảng Long Thành, tạo dư địa, tạo động lực và không gian phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như vùng Tây nguyên.

"Thời gian vừa qua, các đơn vị đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 3 dự án. Tuy nhiên, đây mới là kết quả thành công bước đầu. Để đảm bảo tiến độ của công trình, các địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư cần tăng tốc, đảm bảo các công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), quan tâm thực hiện công tác tái định cư cho người dân sớm nhất có thể, đảm bảo các mỏ nguyên liệu, quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu; không đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị, xây dựng phương án thi công khoa học, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn cho dự án… Bộ GTVT cam kết hỗ trợ tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong quá trình thực hiện để hoàn thiện các dự án với chất lượng tốt nhất, đúng tiến độ", Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Sau phát biểu của ông Lê Anh Tuấn, lần lượt từ 3 đầu cầu, đại diện các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát của 3 dự án và lãnh đạo các địa phương đã cam kết huy động mọi nguồn lực tốt nhất, chất lượng nhất, đảm bảo triển khai và thực hiện các dự án đúng tiến độ, thực hiện đúng mọi quy định để đưa các công trình về đích đúng hẹn theo hợp đồng đã ký kết.

CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 19.6: Khởi công 3 dự án giao thông ở phía Nam | Indonesia sắp có tàu cao tốc

Đặc biệt, trong vai trò điều phối dự án Vành đai 3 TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thay mặt các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương xúc động chia sẻ: Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải trong vùng, cũng là dự án được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn 1 năm so với cách triển khai thông thường. Trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư linh hoạt, tiệm cận giá thị trường. Chỉ trong vòng 1 năm, TP.HCM đã bàn giao hơn 80% mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công dự án, vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Rất nhiều sáng kiến cũng đã được địa phương triển khai như tặng bản vẽ thiết kế cho người trong vùng dự án, miễn phí cấp phép xây dựng, thanh toán qua tài khoản…

"Chúng tôi cam kết trước Chính phủ trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục tập trung hoàn tất công tác GPMB, đẩy nhanh thi công, phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị, ban quản lý dự án, Bộ GTVT để toàn tâm toàn ý, đốc thúc, sáng tạo đưa tuyến Vành đai 3 thông xe kỹ thuật vào cuối 2025, hoàn thành toàn bộ dự án vào 2026. Tôi hy vọng trong giai đoạn sắp tới, người dân cũng sẽ tiếp tục sát cánh cùng địa phương, là "đồng tác giả" của Vành đai 3. Đây là con đường có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với TP.HCM, là dự án của ý Đảng, lòng dân, con đường kết nối, con đường phát triển", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phân cấp phân quyền đã phát huy tối đa tác dụng

Vành đai 3 TP.HCM, trong thời gian rất ngắn đã bàn giao mặt bằng để thi công đạt tới 87%. Kết quả này càng minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Lần đầu tiên giao cho địa phương quản lý một dự án quy mô rất lớn, phức tạp, liên vùng nhưng với quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, dự án đã đạt được thành công bước đầu, rất đáng khích lệ và trân trọng. Đây là cột mốc, là kinh nghiệm quý để triển khai các dự án khác.

Các cơ chế mới đã phát huy tác dụng

Phát lệnh khởi công 3 dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây đều là các dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hạ tầng chiến lược phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là về kinh tế - xã hội. Giai đoạn trước (2000 - 2021), do đất nước còn nghèo, nguồn lực còn hạn chế nên cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc. Tuy còn ít nhưng đây là kết quả rất đáng trân trọng, để lại những bài học, kinh nghiệm rất quý giá để triển khai hiệu quả hơn, tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, giai đoạn từ năm 2021 - 2030, chúng ta cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số ki lô mét cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm trước. Trong đó, đến 2025, cần đạt được ít nhất 3.000 km cao tốc. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, song, chúng ta đã có nhiều bài học quý giá để khắc phục những bất cập của giai đoạn trước. Từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay, cả nước đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đang khai thác của cả nước lên 1.729 km. 3 dự án trọng điểm khởi công ngày 18.6 góp phần nâng tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6 là 1.756 km. "Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì cơ bản chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km vào năm 2025", Thủ tướng phát biểu.

Tự tin với mục tiêu trên là bởi người đứng đầu Chính phủ đã ghi nhận những kết quả thành công bước đầu từ việc áp dụng các cơ chế đặc thù riêng có cho 3 dự án đồng loạt khởi công hôm qua. Đó là đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án; Áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho các dự án kết hợp giữa ngân sách T.Ư và địa phương; Áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công dự án, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.

Khẳng định các dự án đủ điều kiện khởi công đúng kế hoạch là kết quả rất đáng ghi nhận, song, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý đây mới chỉ là bước đầu, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ và các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh công tác GPMB các vị trí còn lại. Song song, đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng; xây dựng phương án thi công hiệu quả, hợp lý trong bối cảnh cả 3 dự án đều có khối lượng thi công lớn trong khoảng thời gian không dài, với điều kiện thời tiết khó khăn. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, có điều kiện mới và sinh kế mới ít nhất phải bằng và tốt hơn nơi cũ…

Thủ tướng dự khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Ngày 18.6, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận tổ chức khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.

Lễ khánh thành được tổ chức trực tuyến ở 2 điểm cầu tại dự án Nha Trang - Cam Lâm, Khánh Hòa và tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bình Thuận với sự tham dự trực tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở điểm cầu Khánh Hòa; Phó thủ tướng Lê Minh Khái dự ở điểm cầu Bình Thuận.

Phát biểu tại lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm xúc khi trở lại cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trong lễ khánh thành. Thủ tướng nhấn mạnh cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã rút ngắn tối đa thời gian thi công để đưa vào thông xe đúng dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ (19.5). Việc hoàn thành 2 dự án này nâng tổng số ki lô mét đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950 km; góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía nam; tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho QL1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Theo Thủ tướng, trong quá trình triển khai thi công, 2 dự án đã rơi vào thời điểm gặp không ít những khó khăn như: Đại dịch Covid-19, nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường; Dự án trải dài qua nhiều khu vực có địa hình, địa chất phức tạp; Giá nhiên liệu, vật liệu có những thời điểm tăng cao đột biến... Chính phủ lắng nghe, kịp thời có các giải pháp để tháo gỡ bằng cơ chế chính sách kịp thời.

Thủ tướng cho biết từ 2 dự án trên đúc kết ra nhiều bài học quý giá, trước hết phải có cách làm, tư duy, hành động quyết liệt; đề cao trách nhiệm người đứng đầu phải bám sát tình hình, nâng cao tính dự báo, xử lý các vướng mắc ngay trên công trường. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, chú trọng các khu tái định cư, đảm bảo cuộc sống người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Từ đó người dân tin tưởng, đồng thuận nhanh hơn. Thủ tướng cũng đề nghị không chia nhỏ các gói thầu, đảm bảo đúng tiến độ, không đội vốn, đảm bảo an toàn cho người lao động, người dân. Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đúng quy định pháp luật, hiệu quả.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, khởi công vào tháng 9.2021, tổng kinh phí hơn 7.600 tỉ đồng. Dự án quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, H.Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh. Dự án được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong thi công và đã vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.

Thế Quang

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3 km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km), Long An (6,81 km); tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài toàn tuyến là 53,7 km đi qua địa bàn 2 địa phương này. Quy mô ban đầu đường có 4 làn xe, rộng 24,75 m. Giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe, rộng 32,25 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ vào năm 2026. Tổng mức đầu tư gần 18.000 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5 km được chia làm 3 dự án thành phần; gồm dự án thành phần 1 (32 km), 2 (37,5 km) và 3 (khoảng 48,5 km), lần lượt do UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản. Tổng mức đầu tư dự án là 21.935 tỉ đồng. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Cùng ngày 18.6, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình cầu Phước An nối TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) và H.Nhơn Trạch (Đồng Nai). Dự án kết nối toàn bộ hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với khu vực miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, với chiều dài toàn tuyến hơn 4,3 km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 4.800 tỉ đồng, trong đó T.Ư hỗ trợ 2.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hà Mai - Nguyễn Long - Trung Chuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.