Ngày 27.2, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết vừa ký quyết định phê duyệt dự án thành phần 3 thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài 11,26 km (trừ dự án thành phần 1A), có điểm đầu tuyến tại Km0+000 thuộc địa phận xã Vĩnh Thanh, điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch thuộc khu vực xã Long Tân (cùng H.Nhơn Trạch).
Về quy mô, dự án đầu tư xây dựng 5 km đường cao tốc với 8 làn xe, vận tốc 100 km/h, nối với dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch tại nút giao tuyến đường tỉnh 25B. Đối với phần đường song hành, đầu tư xây dựng dọc 2 bên tuyến đường cao tốc với đoạn tuyến dài hơn 11,26 km bao gồm 2 cầu vượt sông Rạch Chạy trên đường song hành. Khi hoàn thiện tuyến đường có bề rộng nền đường 74,5m.
Đường song hành hai bên bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60 km/giờ. Dự án cũng đầu tư xây dựng 2 nút giao khác mức liên thông giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành và nút giao với đường tỉnh 25C. Có 4 nút giao với các tuyến đường gồm: Hương lộ 19, đường tỉnh 25B, đường tỉnh 769 và đường Lý Tự Trọng.
Dự án thành phần 3 thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư gần 2.600 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026. Theo dự kiến, dự án thành phần 3 thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được khởi công xây dựng vào tháng 6.2023.
Trước đó, vào ngày 24.9.2022 dự án thành phần 1A nằm trong đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM, trong đó có cầu Nhơn Trạch nối H.Nhơn Trạch với TP.HCM đã được Bộ GTVT khởi công xây dựng.
Được biết, dự án thành phần 3 thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến cao tốc đầu tiên được T.Ư giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản, vừa tổ chức công tác giải phóng mặt bằng vừa tổ chức đầu tư xây dựng (tỉnh Đồng Nai thực hiện 2 dự án thành phần 3 và 4). Khi hoàn thành xây dựng, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn" về hạ tầng giao thông kết nối vùng.
Bình luận (0)