Mở rộng quyền cho “dân kiện quan”

13/03/2015 09:00 GMT+7

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) sáng 12.3, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá dự luật là một dẫn chứng về dân chủ pháp quyền của nhà nước Việt Nam, là bước mở rộng đảm bảo quyền của dân so với việc không cho “dân kiện quan” trước đây.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) sáng 12.3, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá dự luật là một dẫn chứng về dân chủ pháp quyền của nhà nước VN, là bước mở rộng đảm bảo quyền của dân so với việc không cho “dân kiện quan” trước đây.
Ông Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVNÔng Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Trình bày tờ trình về dự án luật, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết có ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện hành chính. Cụ thể, tòa án có thẩm quyền giải quyết cả khiếu kiện quyết định, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, kể cả các quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức, chứ không chỉ giới hạn quyết định kỷ luật buộc thôi việc như hiện nay. Việc mở rộng sẽ đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động công vụ.
Tạo điều kiện để dân khởi kiện
Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh cũng đồng ý quan điểm của ông Trương Hòa Bình. Theo ông Khánh, dự luật cần làm rõ hơn thẩm quyền giải quyết các việc khiếu kiện về hành vi hành chính và quyết định hành chính của các cơ quan có thẩm quyền riêng. “Luật mới tập trung vào các cơ quan có thẩm quyền chung như UBND, chủ tịch UBND các cấp mà chưa đề cập rõ đến các cơ quan, công chức nhà nước được giao thẩm quyền nhân danh nhà nước thực hiện, ví dụ như xử phạt hành chính với lĩnh vực giao thông, thuế, hải quan, thị trường...”, ông Khánh nói.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước thì cho rằng chuyện bị buộc thôi việc là động chạm đến quyền công dân nên công dân có quyền khiếu kiện trước tòa. Tuy nhiên, các vấn đề nội bộ như phân công công tác, nâng lương, hạ chức thuộc về lĩnh vực sử dụng lao động của các đơn vị nên không cần quy định trong luật.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, tư tưởng chỉ đạo của luật là tạo điều kiện để người dân khởi kiện các vụ án hành chính, nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, nhưng tạo điều kiện từ đâu thì chưa thấy dự thảo quy định rõ. Cũng theo ông Hiền, không chỉ cụ thể hóa điều này trong luật mà phải tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu khởi kiện đó như thế nào, tính ưu việt của khởi kiện ra sao... Ngoài ra, hiệu lực các bản án hành chính được thực thi như thế nào là vấn đề nhân dân quan tâm. Nhiều vụ dân không khởi kiện mà gây áp lực các cơ quan vì cho rằng khởi kiện rồi kể cả tòa tuyên mình đúng thì xử lý sau đó cũng rất khó khăn. “Có trường hợp tòa tuyên là quyết định hành chính đó là sai rồi, nhưng việc sửa quyết định lại chính là của cơ quan đã ban hành quyết định đó. Cơ quan đó sau này lại ban hành một quyết định tương tự chẳng nhẽ người dân lại kiện tiếp?”, ông Hiền nêu vấn đề.
“VN khác các nước”
Về phân định thẩm quyền của TAND các cấp, ông Trương Hòa Bình cho biết ủng hộ quan điểm quy định TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện liên quan các cơ quan hành chính từ cấp huyện trở xuống cùng phạm vi địa giới hành chính. Tuy nhiên, đối với quyết định của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện thì nên giao TAND cấp tỉnh giải quyết để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết vụ án.
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, quy định này cần được mở rộng với các khiếu kiện hành chính liên quan cấp tỉnh giao tòa cấp cao xử lý. Trong khi đó, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng đây là vấn đề cần thảo luận thêm, vì “nếu phân định thẩm quyền theo cách đó liệu có khả năng sẽ dồn việc cho tòa cấp cao và tòa tối cao hay không”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành xét xử các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật. Theo ông Hiện, quy định này không phù hợp yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện; không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính.
Bày tỏ ủng hộ quy định mở rộng thẩm quyền của tòa, ông K’sor Phước khẳng định do thiết chế chính trị của VN khác với các nước, có lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. “Ví dụ ông chủ tịch tỉnh là phó bí thư tỉnh ủy còn ông chánh án cùng lắm là tỉnh ủy viên thôi. Xử sẽ rất khó. Về mặt chính quyền, có thể đằng thẳng với nhau nhưng khi sinh hoạt đảng thì rất gay go. Tức là tất cả đều bị tác động. Cho nên quy định tòa trên một cấp xử sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập”, ông Phước nói.
Đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra dự luật của Ủy ban Tư pháp (UBTP) khẳng định dự luật cần phải cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của luật Tổ chức TAND năm 2014 về việc đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; đồng thời, cần đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tố tụng dân sự.
Về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, dự luật quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Theo UBTP, đây là nguyên tắc mới và đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hết sức thận trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.