‘Mở rộng thành phố sẽ mang cơ hội lớn cho du lịch Hạ Long’

05/04/2019 12:29 GMT+7

Bình luận trước thềm Hội nghị Du lịch sẽ tổ chức tại Hạ Long cuối tháng 4, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, quy hoạch phát triển Hạ Long đến lúc vượt qua tầm nhìn của đô thị du lịch cấp tỉnh.

“Chiếc áo” đã chật

Một trong những chiến lược quan trọng của FLC trong lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch là “khai phá các vùng đất tiềm năng”, với mục tiêu trở thành người tiên phong tại các điểm đến mới hầu như chưa được khai thác nhiều về du lịch. Chiến lược này liệu có hiệu quả tại một địa phương đã khá thành danh như Hạ Long không, thưa ông?
Ông Trịnh Văn Quyết: Nếu quan sát bản đồ phát triển dự án của FLC, bạn có thể thấy Quảng Ninh là một địa điểm rất khác biệt. Có nhiều địa phương đẹp, nhưng nhà đầu tư phải làm rất nhiều việc thì vẻ đẹp đó mới có cơ hội hiện diện trước mắt công chúng. Còn với Hạ Long, vẻ đẹp này đã được cả thế giới công nhận và hàng triệu du khách mơ ước được ngắm nhìn một lần trong đời.
Đây là một may mắn hiếm có không phải địa phương nào, hay thậm chí quốc gia nào cũng sở hữu. Tuy nhiên nếu hỏi Hạ Long đã là điểm đến xứng tầm với những giá trị này hay chưa thì theo chúng tôi, câu trả lời hiện vẫn là chưa. Có một thời gian rất dài, chúng ta đã được nghe nói nhiều về câu chuyện hạ tầng du lịch còn thiếu quy mô, đồng bộ của Hạ Long, với các cơ sở nhỏ lẻ, xuống cấp chiếm tỷ lệ áp đảo trong hệ thống lưu trú.
Đến năm 2013, tức là hơn 5 năm trước đây, Quảng Ninh mới có khách sạn 5 sao đầu tiên. Đó là lý do chúng tôi đã chọn Hạ Long và Quảng Ninh là điểm đến, bởi xét về cơ hội tăng trưởng thì dư địa tại địa điểm này vẫn còn rất lớn.
Quảng Ninh hiện đã trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng “nóng” nhất Việt Nam, với những bứt phá ấn tượng cả về hạ tầng giao thông và du lịch?
Quảng Ninh có tốc độ phát triển đáng nể về mặt hạ tầng, nhưng điều này chỉ đang diễn ra trong thời gian vài năm trở lại đây. Và do đó, chúng tôi nghĩ sẽ vẫn cần thêm thời gian để các hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch thực sự đi vào vận hành một cách bài bản, quy củ.
Một số vấn đề khác vẫn còn tiếp tục phải hoàn thiện, như nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao hay hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch golf, du lịch MICE, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… hiện vẫn chưa đủ để tạo ra một nền tảng du lịch mạnh mẽ.
Năm 2018, chúng ta vui mừng khi Quảng Ninh đón được hơn 5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với các thành phố du lịch gần gũi tại châu Á như Phuket hay Pattaya với 10-11 triệu lượt khách, Bali với gần 8,5 triệu khách… Những địa danh này không sở hữu di sản nào được UNESCO hai lần vinh danh như vịnh Hạ Long.
Quan sát dòng chảy đầu tư, có thể thấy Hạ Long đang là trung tâm của nguồn vốn trong và ngoài nước, khi tính đến giữa năm 2018, một tỷ lệ lớn các dự án FDI tại Quảng Ninh tập trung vào địa bàn này với 57 dự án, chiếm gần 26% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.
Hạ Long được xem là “thủ phủ” của Quảng Ninh, nhưng nếu đặt trong tầm nhìn dài hạn, có thể thấy không gian cho việc thu hút đầu tư của Hạ Long sẽ ngày càng hạn chế, khi quỹ đất đã và đang cạn kiệt, dẫn tới những bất cập trong việc đầu tư một hạ tầng đồng bộ, quy mô tầm quốc gia - quốc tế.
Theo ông, vấn đề này cần những giải pháp gì?
Quảng Ninh đã chạy lấy đà rất tốt và đang trong giai đoạn “tăng tốc”, nhưng theo chúng tôi, có lẽ điều cần quan tâm bây giờ là làm sao sớm đưa ra một quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch có tầm nhìn dài hạn, để sự tăng tốc khi diễn ra sẽ không để lại nhiều hệ lụy về sau này.
Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm, khi quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là mở rộng địa giới hành chính Hạ Long, với phạm vi nghiên cứu trực tiếp gần 28.000 ha và phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm nhiều khu vực lân cận.
Tôi tin rằng các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư lớn và đầu tư dài hạn tại Quảng Ninh đều đang chờ đợi quy hoạch này.
Khách sạn FLC Grand Hotel Halong vào đêm
Khách sạn FLC Grand Hotel Halong vào đêm

Kích hoạt nguồn vốn mới

Từ góc nhìn của một nhà đầu tư và phát triển trong lĩnh vực du lịch, ông cho rằng lợi ích lớn nhất nếu địa giới hành chính của Hạ Long được mở rộng là gì?
Khi địa giới Hạ Long được mở rộng, có thể thông qua việc sáp nhập một số xã hoặc huyện nào đó đủ điều kiện, lợi ích đầu tiên là chúng ta sẽ có một không gian đủ rộng để phát triển hạ tầng du lịch với tầm nhìn dài hạn, tạo nền tảng vững chắc cho Hạ Long trở thành một thủ phủ du lịch không chỉ cấp tỉnh hay cấp quốc gia, mà còn có quy mô và vị thế tầm khu vực và quốc tế, với các ưu thế về tiềm năng phát triển và các cơ sở hạ tầng quy mô.
Lợi ích tiếp theo là tạo ra một sự hệ sinh thái du lịch đồng bộ và đa dạng, với Hạ Long là hạt nhân trung tâm. Lâu nay nói đến Quảng Ninh, hầu hết du khách đều nghĩ tới vịnh Hạ Long, mà quên mất rằng Quảng Ninh còn hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và hơn 360 di sản văn hóa phi vật thể độc đáo.
Bởi vậy, việc mở rộng địa giới Hạ Long sẽ tạo ra hiệu ứng dịch chuyển và lan tỏa dòng vốn đầu tư sang các khu vực vệ tinh lân cận, từ đó khai thác hiệu quả và bền vững hơn những di sản này.
Việc điều chỉnh địa giới chắc chắn sẽ kích hoạt một làn sóng đầu tư mới đầy mạnh mẽ, tiếp tục thúc đẩy quá trình hình thành một Hạ Long là “thủ phủ du lịch” mang tầm quốc tế như chúng ta đang kỳ vọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.