|
Điểm đen giao thông
Nút giao thông ngã ba Huế nằm ở phía tây bắc TP.Đà Nẵng, nằm trên địa phận ba quận: Thanh Khê, Cẩm Lệ và Liên Chiểu, là ngã ba giao cắt giữa QL1 với đường Điện Biên Phủ (đường trục chính đi vào trung tâm TP.Đà Nẵng) và tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay đường Điện Biên Phủ đã được nâng cấp mở rộng nhằm giải quyết một phần lưu lượng giao thông đi vào nội thành. Theo thống kê, tại nút giao thông ngã ba Huế, lưu lượng giao thông có mật độ/ngày rất cao, bao gồm trên 15.000 lượt ô tô các loại, 36 lượt tàu lửa và hàng trăm ngàn lượt mô-tô, xe đạp. Do tính chất giao thông tại nút phức tạp (có xe chạy thẳng từ miền Bắc vào Đà Nẵng và ngược lại; trên QL1 có xe rẽ phải từ Huế đi Tam Kỳ và rẽ trái từ Tam Kỳ đi Huế, có xe rẽ phải từ Tam Kỳ đi Đà Nẵng, có xe rẽ trái từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ); xuất hiện sự cản trở lẫn nhau giữa các loại xe (giữa xe thô sơ và xe cơ giới, giữa đường sắt và các tuyến đường bộ, giữa xe và người qua đường)... Việc giao nhau giữa nhiều tuyến đường giao thông khiến khu vực này luôn ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm và lúc các chuyến tàu bắc nam chạy qua.
Để xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc, TNGT tại khu vực ngã ba Huế, ngày 16.4.2010 Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Quyết định số: 1004/QĐ-BGTVT cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình: “Xây dựng nút giao thông khác mức tại nút giao thông ngã ba Huế, TP.Đà Nẵng” thuộc kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn trên các tuyến đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ.
Hợp lòng dân
Theo các chuyên gia, với số lượng đoàn tàu hỏa qua nút giao khoảng 36 lượt mỗi ngày với mỗi lần đóng mở chắn từ 10-15 phút gây ra sự ùn ứ của các phương tiện giao thông bộ, nhất là vào giờ cao điểm. Từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia giao thông là nguyên nhân gián tiếp gia tăng số vụ va chạm giao thông tại khu vực nút giao. Vì vậy, việc đầu tư, xây dựng nút giao thông tại ngã ba Huế là hết sức cần thiết nhằm giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc và TNGT tại vị trí ngã ba Huế; đồng thời tạo ra cảnh quan, điểm nhấn kiến trúc cho cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Mặt khác, cũng đáp ứng quy hoạch vùng, miền nói chung và giao thông TP.Đà Nẵng nói riêng. Đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh dự án sẽ góp phần tạo lập lại, xác định và duy trì hệ thống hành lang an toàn đường bộ, hệ thống hành lang an toàn đường sắt; hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường đấu nối vào quốc lộ, đường ngang, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt. Chắc chắn việc đầu tư dự án sẽ mang lại hiệu quả tích cực về mặt xã hội, cụ thể là khắc phục được sự ùn tắc giao thông ngay ở trung tâm TP.Đà Nẵng - một trung tâm lớn về văn hóa, du lịch của đất nước; Tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội; Tăng độ an toàn cho các phương tiện vận tải, giảm bớt thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây nên; Tăng năng lực lưu thông hàng hoá và hành khách, giảm chi phí vận tải, làm sôi động nền kinh tế thị trường khu vực, góp phần tăng nhịp điệu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Điền Gia Thạnh
>> 1.500 - 3.000 tỉ đồng xóa “điểm đen” tại ngã ba Huế
Bình luận (0)