Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước hôm nay 17.5, nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường, từ ngày 20 - 24.5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào ngày 21.5 và 23.5.
Khối lượng vàng đấu thầu mỗi phiên vẫn ở mức 16.800 lượng. Khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng.
Trong lần thông báo này, Ngân hàng Nhà nước không đưa ra mức giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc.
Từ ngày 19.4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó 3 phiên phải hủy.
Kết thúc phiên đấu thầu mới nhất ngày 16.5, có 11 thành viên trúng thầu 12.300 lượng vàng. Tổng khối lượng vàng trúng thầu qua các phiên là 27.200 lượng, tương ứng hơn 1,02 tấn vàng.
Đấu thầu thành công 12.300 lượng vàng
Trong các phiên đấu thầu vàng trước đây, Ngân hàng Nhà nước có sự điều chỉnh khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu theo hướng giảm dần, từ mức 1.400 lượng trong các phiên đầu xuống 700 lượng và 500 lượng.
Trong khi đó, khối lượng vàng đặt thầu tối đa được điều chỉnh tăng lên từ mức 2.000 lượng lên 4.000 lượng.
10 năm qua, giá vàng thế giới đã tăng thêm 140% và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431 USD/ounce (ngày 12.4). Trong nước, chỉ 4 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 30%. Đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, điều chỉnh nhiều lần một ngày.
Việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng nhằm tiến tới kéo giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến nay, mục tiêu này chưa đạt được.
Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mục tiêu.
"Để việc đấu thầu đạt mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu", ông Cường nhấn mạnh.
Bình luận (0)