Mô tô bay, một thời vang bóng

31/01/2015 11:15 GMT+7

Từng một thời vang bóng nhưng theo thời gian, các đoàn xiếc tạp kỹ mô tô tàn lụi, rã gánh dần. Không xa nữa, cái nghề “bay” rợn người này chỉ còn là dĩ vãng.

Từng một thời vang bóng nhưng theo thời gian, các đoàn xiếc tạp kỹ mô tô tàn lụi, rã gánh dần. Không xa nữa, cái nghề “bay” rợn người này chỉ còn là dĩ vãng.

Biểu diễn mô tô bay
Biểu diễn mô tô bay - Ảnh: Thanh Dũng
Lâu rồi mới lại được xem... mô tô bay
Giọng khàn khàn qua cái loa rè rè của người đàn ông đã gây chú ý cả những người cao tuổi lẫn cánh thanh niên: “Tiết mục đặc sắc, đội mô tô bay xe ở độ cao 5 m sẽ làm hài lòng quý vị...”.
Nhiều người ồ lên đúng nó rồi, sân khấu hình ống trụ tròn cao trên 5 m ghép lại bằng các thanh ván đích thị là mô tô bay, lâu quá mới thấy xuất hiện ở vùng Châu Đốc (An Giang). Sự hiếu kỳ của người trẻ, hoài niệm của người già về một thời xa xưa nên giá vé (trẻ em 10.000 đồng/vé, người lớn 15.000 đồng/vé) không còn là vấn đề khiến người ta so đo nữa. Nhiều cụ già lụm cụm vẫn leo lên cầu thang dài lên sân khấu vì “mấy chục năm rồi mới được xem lại mô tô bay”.
Nhìn sân khấu dựng đứng, lũ trẻ lao nhao: “Vòng gỗ tròn vầy sao xe máy chạy được?”. Nghe vậy, những người có tuổi cười xòa, nói xe sẽ “bay” lên cao tới nóc vòng thành này trong ánh mắt hồ nghi, ngơ ngác của lũ trẻ.
Dưới vòng thành có 3 chiếc xe gồm 2 xe máy cổ và một xe đạp cùng 4 thanh niên đang kiểm tra lại động cơ, các tường gỗ. Ngoài kia, tiếng loa rè rè lại vang lên “bà con chú ý, đã tới giờ bay”. Tiếng loa vừa dứt, một thanh niên tên Quốc không nón bảo hiểm, không áo bảo hộ phóng lên xe chạy lượn lờ bên dưới vòng thành. Trong bóng tối chập choạng, bất chợt Quốc “bay” xe lên vèo vèo quanh nóc thành trong tiếng rú lo sợ của nhiều người.
Nhiều thanh niên đang đứng gần nóc vòng thành vội lùi lại ra xa vì sợ xe bay lên cao tông trúng. Người thì ôm ngực vì căng thẳng, người thì nhắm mắt không dám nhìn Quốc đang “bay” xuống.
Người già chép miệng, chính là nó, cảm giác sờ sợ, đứng tim là đây khi chiếc xe trồi lên, hụp xuống hoa cả mắt, chóng cả mặt, mùi khói xe, mùi xăng nhớt xông hăng hắc vào mặt mũi. Cả vòng thành cứ dội lên theo tiếng xe gầm rú, tiếng ván gỗ rung rinh lắc lư sầm sập… Sau Quốc, 2 xe kia cùng xuất phát.
Cứ thế, 3 chiếc xe cùng chạy đủ tư thế như: buông 2 tay, đứng lên xe, 2 người điều khiển xe bay nắm tay nhau… làm sân khấu rung, chao lắc như động đất. 15 phút xe bay là khoảng thời gian đưa khán giả từ hồi hộp, căng thẳng đến thở phào nhẹ nhõm khi tiết mục kết thúc.
Cố giữ lấy nghề
Ông Lê Văn Niệm, chủ đoàn mô tô bay - xe đạp bay Hiếu Nghĩa (Bến Tre), cho biết năm nay ông đã 65 tuổi thì đã 45 năm theo cái nghề mô tô bay.
Nhắc lại chuyện xưa, ông bồi hồi: “Thời xưa được ngồi trên xe mô tô bay oách vô cùng, bởi xe máy đâu có được bao nhiêu chiếc. Tôi còn nhớ khoảng thập niên 80 của thế kỷ 20, biểu diễn mô tô bay được nhiều người xem nên chúng tôi có thể sống rất dư giả bằng nghề này”.
Theo ông Niệm, để bay lượn vèo vèo trên vách ván, người điều khiển phải luyện tập nhiều năm. Trước hết, họ phải chạy xe đạp làm quen trong vòng tròn, khi đã quen không cảm thấy choáng với độ cao mới thực hành bay trên xe mô tô. Sau khi cầm lái vững, giữ thăng bằng mới tập đến các động tác phức tạp, nguy hiểm khác như ngồi một bên xe, đang bay thình lình buông tay lái; động tác cuối cùng và nguy hiểm nhất là buông 2 tay, đứng thẳng người trên xe lướt chậm chậm quanh vòng thành rồi ngã người ra sau. Tay nghề diễn viên được đánh giá bằng các vòng lượn. Ngày xưa, từ làng quê đến thị thành, mô tô bay luôn thu hút người xem, các diễn viên thi nhau bay, tiền rủng rỉnh. Nhưng từ năm 1990 trở về sau, mô tô bay trở nên lỗi thời. Không sống được với nghề, những diễn viên “bay” đã bỏ nghề, còn các ông bầu thì rã gánh.
Ông Niệm nói bây giờ giới trẻ không khoái trò xiếc mô tô bay rùng rợn, rồi sơ suất hay bất cẩn có thể chuốc lấy tai nạn. Thêm vào đó, xe mô tô bay do Đức sản xuất nay rất hiếm nên chẳng còn mấy ai mặn mà giữ nghề. Theo ông Niệm, do cái nghề này đã ăn vào máu thịt nên mấy phen tưởng đã bỏ nghề nhưng nghĩ lại ông không cam lòng.
“Cũng may ở các vùng xa, vùng sâu và đôi lúc ở thị thành vẫn còn lớp người lớn tuổi đam mê xem mô tô bay nên đoàn xiếc của tôi rong ruổi các nơi vẫn còn sống được. Khi nào không còn cuốn hút khán giả thì lúc đó tôi “cáo lão về vườn””, ông Niệm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.