Sáng sớm, một nhóm đàn ông tụ tập ở quán cà phê cóc ven đường, gần bến xe Tây Ninh ở ấp Bình Hòa, xã Thái Bình, huyện Châu Thành (Tây Ninh). Ngày trước chỉ có vài người, nay ở ấp Bình Hòa đội quân này có hơn 20 người chuyên làm nghề bắt trùn chỉ. Hết ly cà phê, họ chia nhau lên đường.
Công việc gian nan
Con rạch Cây Sung ở xã u Cơ dài, len lỏi qua cánh đồng mì. Nước rạch màu nâu nhạt. Vừa đến nơi, ông Nguyễn Văn A (55 tuổi) - đã hơn tám năm đi vớt trùn - nhanh chóng cởi bộ quần áo ngoài móc lên xe. Ông lấy bộ đồ nghề - cây vợt và cái bao - bước xuống rạch. “Chỗ này có trùn nè!”, ông chỉ vào chỗ đang đứng, và giải thích “chỗ nào có lớp bùn mịn thì ở đó có trùn”. Nước đến cổ. Đặt vợt xuống lòng nước, ông dùng tay lùa bùn vào vợt. Vợt gần đầy bùn lẫn trùn chỉ. Ông đãi mạnh vợt, lắc qua lắc lại cho bùn trôi bớt. Khi trong vợt chỉ còn sót lại ít bùn có màu hơi hồng - màu của trùn chỉ - ông cho tất cả vào bao và tiếp tục công việc.
Hành nghề dưới nước, tai nạn… trên bờ! Hành nghề dưới nước nhưng tai nạn… trên bờ là trường hợp của anh Nguyễn Minh Thiện (27 tuổi). Trong một lần đi vớt trùn chỉ, Thiện dựng chiếc xe máy trên bờ. Mải mê với những mảng trùn, chiếc xe của anh đã… không cánh mà bay, kẻ nào đó bỏ lại chiếc xe đạp cũ, Thiện ngậm ngùi. |
Lội xuống nước, chúng tôi cảm nhận được sự ô nhiễm của con rạch: nước nhơn nhớt, rất nặng mùi. Anh Quỳnh Thanh Hiền (32 tuổi) bảo: “Người không quen rất dễ bị dị ứng, nổi ghẻ”. Cho những thứ vừa đãi được vào bao, anh Hiền kể: “Những ngày đầu đi làm tui cũng bị dị ứng. Mùi hôi của nước không chịu được, nhưng làm riết rồi quen”. Nhưng không chỉ thế, dưới lòng kênh rạch đen ngòm kia còn nhiều thứ nguy hiểm khác, mà thường nhất là miểng chai, đinh, gai… Nguyễn Văn Bia nhấc bàn chân lên khỏi mặt nước cho chúng tôi xem: một lần đạp phải mảnh kiếng vỡ, chân anh bị khâu năm mũi. Bia phải nghỉ cả tháng trời mới đi làm được, lại còn tốn tiền thuốc men.
Chỉ có trùn chỉ mới sống nổi…
Ở Tây Ninh có khá nhiều dòng sông, kênh, rạch… bị ô nhiễm. Và môi trường trùn chỉ thích sống và sinh trưởng nhanh chính là đáy bùn của những dòng kênh ô nhiễm chất hữu cơ. Vớt hết khúc rạch này chuyển qua đoạn khác, đội quân vớt trùn phải thay đổi địa điểm liên tục, gần nhất là sông Tây Ninh, rồi tới Cầu Đôi, kênh Cầu Da, rạch Cây Sung, Hảo Đước… Nơi nào trùn chỉ nhiều thì biết chắc nơi đó càng ô nhiễm. Nhưng ô nhiễm quá trùn chỉ cũng... chết. Anh Nguyễn Văn Bá, một thợ bắt trùn, cho biết: “Có khi nước của nhà máy mì thải ra quá đậm đặc, trùn chỉ chịu hết xiết phải ngoi lên mặt nước, đóng thành từng mảng”. Gặp được lúc này là coi như “trời cho”, chỉ cần đứng trên bờ vớt trùn cho vào bao, mang về bán.
Anh Bá tâm sự: “Tôi làm nghề vớt trùn chỉ đã tám năm. Ngày trước tôi làm công nhân cạo mủ cao su cho đồn điền tư nhân, tranh thủ thời gian nuôi thêm cá. Tiết kiệm chi phí, tự mình đi bắt trùn về cho cá giống ăn, bắt được nhiều thì bán lại cho người nuôi cá. Sau này tôi không đi cạo mủ và không nuôi cá nữa! Nhưng nhận thấy việc vớt trùn chỉ thu nhập cũng tốt nên tôi chuyển sang bắt trùn chỉ luôn! Anh em tôi làm nghề này kiếm sống, có thu nhập nhưng cực khổ vô cùng, lại luôn tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, có khi ngâm nước bẩn cả ngày. Dù biết dòng nước kia ô nhiễm… nhưng vì mưu sinh cũng phải làm!”.
Quá trưa, khi bao trùn đã kha khá, khuôn mặt anh Bá cũng tím tái, chân tay nhăn nheo và người sực mùi hôi của bùn và của cả dòng nước ô nhiễm. Bá trầm tư: “Người ta đi ngang con kênh, con sông không chịu nổi mùi huống chi dầm mình xuống dòng nước ấy. Cái mùi này dính vô người, chỉ có vợ con và anh em làm nghề với nhau mới chịu được thôi!”.
Lắm công phu!
Lên bờ, Bá lật đật về nhà, nếu không trùn chỉ sẽ chết. Đến nhà, anh cho bùn có lẫn trùn chỉ vào trong các thau để ủ. Một tấm nhựa phủ qua làm cho trùn chỉ ngộp phải ngoi ra khỏi bùn. Sau hơn 30 phút, lấy tấm nhựa ra, trùn quấn vào nhau thành từng mảng lớn. Một lớp trùn chỉ màu đỏ hồng phủ kín bề mặt lớp bùn đen. Vớt lớp trùn chỉ trên bề mặt thau ủ ra rộng ở hồ nước. Các hồ nước nhỏ, diện tích chừng 2m2. Hai môtơ sục không khí chạy rồ rồ, thổi vào nước hồ những bọt khí. Những mảng trùn chỉ đỏ rã ra. Anh Bá nói: “Trùn chỉ đặc biệt lắm, ở trong bùn của mấy kênh rạch ô nhiễm kinh khủng thì sống bình thường. Nhưng sau khi tách ra khỏi môi trường ấy rồi thì nó rất khó tính. Nếu không sục khí trùn sẽ chết vì thiếu oxy. Ngoài ra, mỗi lần rộng khoảng 3 giờ thì phải thay nước một lần…”.
Mỗi ngày hai buổi, Bá vớt được khoảng 14 kg trùn. Mỗi ký trùn chỉ được thương lái mua từ 11.000 - 12.000 đồng. Ở xóm trùn chỉ này gia đình anh có nhiều người sống bằng nghề bắt trùn chỉ: năm anh em trai thì hết bốn người làm nghề bắt trùn.
Anh Dương Hùng Cường, thường được gọi Năm Cường, ở ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh là một thương lái chuyên thu gom trùn chỉ bán cho công ty nuôi cá, các cơ sở bán thức ăn cho cá kiểng ở Sài Gòn. Thời gian trước mỗi ngày cơ sở Năm Cường thu mua hơn 150kg trùn chỉ, nhưng nay chỉ khoảng 70-90kg. Anh cho biết đó cũng chính là tín hiệu ô nhiễm môi trường được kiểm soát tốt hơn.
Anh Bá nói cũng mong có nhiều trùn để bắt kiếm tiền, nhưng dù sao nếu những con kênh rạch, con sông ở quê của anh bớt ô nhiễm thì anh cũng rất vui đi kiếm một công việc khác.
Theo Nguyễn Lê/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)