Mở trung tâm để “kêu gọi lòng hảo tâm”

24/09/2009 01:13 GMT+7

Trong phần xét hỏi hôm qua, TAND tỉnh Nam Định thẩm vấn Trần Thị Lương, nhân vật có ảnh hưởng lớn thứ 2 trong đường dây “bán” hàng trăm trẻ ra nước ngoài.

> Xét xử vụ “bán” hàng trăm trẻ sơ sinh ra nước ngoài
> Lòng nhân đạo đổi bằng... tiền!

Trước tòa, bị cáo Trương Công Lịch, Trạm trưởng Y tế xã Kiên Lương, khai đã nhận được từ Lương 38 bộ hồ sơ mẫu để làm giả và trên 100 triệu đồng để chi cho các trạm y tế xã khác. Tương tự, bị cáo Vũ Đình Lợi, Trạm trưởng Y tế Yên Tiên, thừa nhận đã làm cho Trung tâm Ý Yên 15 bộ hồ sơ giả, toàn bộ do Lương trực tiếp đưa và hướng dẫn cụ thể. Mỗi một bộ, Lợi được Lương đưa từ 2-2,5 triệu đồng. Tổng cộng, Lợi nhận được 36 triệu đồng. Ngoài ra, hai bị cáo khác là Trần Trọng Lãm (không nghề nghiệp) và Cao Như Mô, Trạm trưởng Y tế xã Liên Bảo (H.Vụ Bản), cũng khai nhận có mối liên hệ với Lương, qua đó làm giả hàng chục bộ hồ sơ.   

Đối chất mới chịu nhận

Thế nhưng, bị cáo Trần Thị Lương liên tục kêu oan và đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền. Trong số 101 cháu bé đã đưa ra nước ngoài làm con nuôi, Lương khai trực tiếp nhận khoảng 20 cháu, số còn lại “không biết  vì sao lại có mặt tại Trung tâm Ý Yên”. Theo Lương, có thể là do các nhân viên gồm bảo vệ, bảo mẫu tiếp nhận vì Lương kiêm nhiệm, nhiều việc. Lương khai có nhận hồ sơ nhưng không chi bất cứ một đồng nào cho ai và cũng không hề biết Lịch, Lãm, Mô là ai. Đến lúc đối chất, bị cáo Mô nói rõ “đã từng gặp và bắt tay tại phòng làm việc” thì Lương mới thừa nhận có quen biết những người này.   

Tiếp đó, theo chức năng của Trung tâm Ý Yên, phụ nữ mang thai không thuộc đối tượng được tiếp nhận nhưng thực tế tại đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp đến sinh con rồi bỏ lại. Trả lời về vấn đề này, Lương diễn giải loanh quanh là do thương xót cho số phận các cô gái trẻ “lỡ làng”. Thậm chí, bị cáo này còn cho rằng mục đích thành lập Trung tâm Ý Yên không phải để tiếp nhận trẻ mà là nhằm kêu gọi lòng hảo tâm, các dự án từ các tổ chức nước ngoài...

Rất nhiều điều bất thường

Đáng lưu ý, qua phần xét hỏi các bị cáo cũng như người có nghĩa vụ liên quan ở vụ án này cho thấy có rất nhiều điều bất thường trong việc thành lập và hoạt động của các trung tâm bảo trợ trẻ em.

Hai trung tâm trong vụ án đều nằm dưới sự quản lý của UBND huyện và Sở LĐ-TB-XH, nhưng các sai phạm diễn ra nhiều năm trời không ai biết. Theo chức năng, các trung tâm tiếp nhận nhiều đối tượng khác nhau nhưng thực tế các nơi này chỉ tập trung vào trẻ sơ sinh, qua đó trục lợi bằng cách cho làm con nuôi người nước ngoài. Về mặt nhân sự, tài chính, thu chi cũng để mặc cho giám đốc các trung tâm này "tự biên tự diễn".

Trong phiên tòa hôm qua, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Trực Ninh, cho biết từ ngày trung tâm được thành lập đến nay, cơ quan Nhà nước không cấp trang thiết bị cũng như kinh phí hoạt động mà do các cá nhân bỏ ra. Các khoản tiền vật chất nước ngoài tài trợ bao nhiêu là do giám đốc bàn bạc, quyết định, bà không được biết.

Trước câu hỏi của HĐXX về yêu cầu của trung tâm đối với việc Vũ Đình Khản đã lấy hàng trăm triệu đồng của trung tâm chi cho việc lập hồ sơ giả, bà Hòa cho rằng đây là “tiền của Khản nên không có ý kiến gì” (?).

Đến khi HĐXX giải thích trung tâm là đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, chịu sự quản lý của UBND H.Trực Ninh chứ không phải của tư nhân, do đó không thể lẫn lộn tài sản của cá nhân và của tập thể; nếu gây thất thoát thì phải bồi thường... thì bà Hòa mới đề nghị “tùy HĐXX giải quyết”.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.