Ra mắt năm 2016, phim hoạt hình Moana của hãng Walt Disney tạo thiện cảm khi xây dựng nhân vật chính là một nàng “công chúa” ngoan cường, tự lập; cũng như giới thiệu nền văn hóa Polynesia “ngàn đảo”, thuộc châu Đại Dương, đến khán giả quốc tế. Ngoài ra, tạo hình và tính cách nhân vật á thần Maui do Dwayne “The Rock” Johnson thể hiện cũng được đánh giá cao. Sau 8 năm, Nhà Chuột “bật đèn xanh”, kể tiếp hành trình khai phá đại dương của nàng Moana.
Sau khi trả lại trái tim cho nữ thần Te Fiti, Moana (Auliʻi Cravalho đóng) được bộ tộc tại đảo Motunui tôn vinh như người hùng. Trong lễ nhậm chức “Người tìm đường” thiêng liêng, nàng bỗng nhìn thấy hình ảnh của tổ tiên, kêu gọi Moana dấn thân vào hành trình đến hòn đảo Motufetu - nơi đang bị ác thần Nalo buông lời nguyền. Chỉ như thế, cô mới có thể cứu những bộ tộc thuộc vùng biển khác hiện bị Nalo giam cầm, cũng như tìm ra nguồn cội thực sự của mình. Đồng hành cùng Moana trong phần hai ngoài á thần Maui, còn có những thuyền viên mới do chính cô tuyển chọn.
Ngợi ca tinh thần tìm về nguồn cội, gắn kết đại đồng
Nếu như trong phần một, chuyến hải trình của Moana chỉ mang tính cá nhân, giúp cô chứng minh khả năng lãnh đạo với cha mẹ, thì thông điệp của phần hai vĩ mô hơn. Moana lúc này nghe theo tiếng gọi từ tổ tiên, hình ảnh ẩn dụ cho giá trị nguồn cội, đi giải cứu cho những bộ tộc láng giềng. Trên hành trình này, cô nhận ra vài kẻ thù cũ, chẳng hạn bộ tộc Kakamora, hóa ra chỉ là những sinh thể cô đơn, chống chọi với tự nhiên để tìm đường về nhà.
Thông điệp trên được Walt Disney khai thác “hợp thời”, phù hợp với tinh thần “woke” (thức tỉnh) đang được thế hệ trẻ ở Mỹ quan tâm. Khi sinh ra trong thời đại 4.0, thế hệ Gen Z và Gen Alpha dễ tiếp cận các văn hóa giải trí hiện đại hơn các bài học lịch sử, các giá trị văn hóa bản địa nơi ông bà họ xuất thân.
Lúc này, cột mốc 8 năm giữa hai phần phim, giống như quá trình trưởng thành của những người trẻ. Họ loay hoay tìm kiếm bản ngã ở tuổi thiếu thời, để rồi khi đủ lông đủ cánh, trái tim họ nung nấu khao khát trở về cội nguồn dân tộc, tức những giá trị vốn chỉ có thể tìm thấy trong sách vở, thi ca. Để làm rõ câu chuyện trên, Walt Disney sáng tạo ba bài nhạc chủ đề trong phần hai đều mang cảm xúc “đi thật xa để trở về”; gồm We’re Back (Ta đã trở về), Finding The Way (Tìm đường) và What Could Be Better Than This? (Còn gì tuyệt vời hơn?).
Nhìn chung, giá trị nhân văn trong Moana 2 không mới, song được khai thác tương đối trọn vẹn. Những thách thức trên hành trình của nàng công chúa da ngâm càng giúp cô thêm vững tay chèo, còn những ký ức cha ông là chìa khóa giúp cô chiến thắng gã ác thần. Từ vai trò “tay đấm” chính trong phần một, Maui lùi về vị trí hậu cần, như hình ảnh người đi trước truyền lửa để thế hệ sau tỏa sáng.
Kịch bản chưa 'đã' như phần nhìn
Xét về khâu hình ảnh, Moana 2 có những bước tiến đáng kể so với phần một. Để phô diễn thế mạnh đồ họa, tác phẩm đưa người xem theo thuyền Moana đến những vùng biển mới. Người xem được chứng kiến toàn cảnh Motunui trong trường đoạn đầu phim, với hình ảnh những rặng dừa đặc trưng, cũng như các ngóc ngách, núi đồi ngự trị trên lãnh thổ 1.000 hòn đảo. Nhóm thiết kế tỉ mỉ hóa loạt họa tiết xuất hiện trong phục trang, vũ khí, nhạc cụ của người dân; cùng những cử động phức tạp trong phần trình diễn nghệ thuật của người dân Motunui.
Trên chuyến hải trình đầy cam go, những thử thách, quái vật mà Moana và thuyền viên đối đầu đều có tạo hình độc đáo. Đó có thể là pháo đài ngàn lớp trên biển của tộc Kakamora, con nghêu khổng lồ với bề mặt phủ rêu xanh trấn giữ lối vào Motufetu, hay mật thất tựa mê cung của nữ thần cánh dơi Matangi (Awhimai Fraser). Giữa những kiến trúc độc lạ ấy là từng quần thể sinh vật riêng biệt và đa dạng, dễ mang đến cảm xúc choáng ngợp cho người xem. Khán giả có thể thưởng thức ở định dạng IMAX để cảm nhận rõ độ “tràn viền” trong bối cảnh của phim.
Có phần đồ họa nịnh mắt là thế, ngược lại phong độ của Moana 2 xét ở mặt kịch bản vẫn chưa đủ ấn tượng. Đồng ý là chuỗi thông điệp xoay quanh con người và cộng đồng của phim đáng để khích lệ, nhưng tụ chung lại vẫn còn ôm đồm. Phim cố gắng góp nhặt các xu hướng đại chúng đang được giới trẻ quan tâm như màu da, LGBTQ+, trào lưu “đu idol”,... song tất cả chỉ nằm ở tình huống gây cười, không có đóng góp quan trọng với mạch chính.
Ngoài ra, cuộc phiêu lưu của Moana trở nên quá phức tạp, thiếu tính liền mạch như ở phần một. Người xem buộc phải nhớ nhiều địa điểm, khái niệm, thể loại sức mạnh mới; trong khi phần lớn chúng xuất hiện chỉ là để cài cắm cho các phần sau. Vài phân cảnh cao trào trong phim, lối chiến đấu của các nhân vật mang hơi hướm phim siêu anh hùng Marvel, làm mất đi vẻ mộc mạc mà một phim hoạt hình cho thiếu nhi cần có. Điều này cũng khiến cho mạch truyện trở nên lan man, khó theo dõi hơn.
Một điểm trừ khác là tác phẩm có số lượng nhân vật nhiều hơn phần một, nhưng các tuyến vai tương đối nhạt nhòa. Ngoài Moana, Maui và Matangi, các thành viên mới xuất hiện chỉ làm nền, hoặc pha trò trong một số tình huống. Đó là chưa kể không ít yếu tố hài trong phim bị cũ, chỉ mang đến cảm giác “sượng trân” chứ chưa tạo được tiếng cười cho khán giả.
Nhìn chung, Moana 2 là phim thiếu nhi có thế mạnh ở phần nhìn, riêng phần kịch bản khó có thể làm hài lòng những khán giả khó tính. Kết mở và "after credit" ẩn ý rằng Nhà Chuột còn ý định cho Moana xuất hiện trong các tác phẩm tiếp theo, và điều này cũng đáng để fan mong đợi. Ra rạp vào đầu tháng 12 tại Việt Nam, phim dự kiến sẽ đạt doanh thu tốt khi không có đối thủ tương đồng cạnh tranh.
Bình luận (0)