Mộc bản triều Nguyễn vênh, nứt trong kho lạnh

06/06/2016 07:00 GMT+7

Được để trong kho lạnh hiện đại, mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới đầu tiên của VN - tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 đã bị cong vênh và nứt.

Kho hiện đại mà vẫn... hại
PGS-TS Vũ Thị Phụng, Khoa Lưu trữ, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết bà đã tới Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 tại Đà Lạt để tìm hiểu về việc bảo quản mộc bản triều Nguyễn. Được khắc in các tác phẩm chính văn chính sử của triều đình nhà Nguyễn, những mộc bản ấy hình thành trong quá trình hoạt động của bộ máy hành chính. Loại hình tài liệu này không chỉ đặc biệt quý hiếm ở VN mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, bà Phụng cho biết: “Tại kho lưu trữ, các mộc bản này đã có dấu hiệu cong vênh và nứt dù trước đó không hề như vậy”.
Theo bà Phụng, mộc bản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 tại Đà Lạt được lưu giữ trong kho hiện đại. Đó là một kho lạnh đảm bảo chống mối mọt và ẩm mốc. “Nhưng có vẻ như độ lạnh đã làm cho mộc bản bị như vậy. Có lẽ chúng ta nên xem lại việc sử dụng các kho lạnh hiện đại vì nó cũng không tối ưu như chúng ta tưởng”, bà Phụng chia sẻ.
Cho tới nay, các kho lạnh vẫn được coi như điều kiện lý tưởng để bảo quản tư liệu, nhất là tư liệu giấy. Tuy nhiên, hiện tượng xảy ra với mộc bản triều Nguyễn cho thấy ngay cả kho lạnh cũng có thể gây tác động xấu tới các tư liệu, hiện vật cần bảo quản. Trong khi đó, mộc bản đã tồn tại mà không cong vênh trong thời gian rất dài khi bảo quản ở nhiệt độ thông thường.
Việc xuống cấp xảy ra với mộc bản khiến người ta dễ liên tưởng tới trường hợp tháp Bánh Ít (Bình Định). Trong những bài giảng cho lớp bảo tồn tại Viện Bảo tồn di tích, Viện trưởng - KTS Lê Thành Vinh vẫn lấy ví dụ về việc làm mái che cho tháp Bánh Ít, một ngôi tháp bằng đất nung. Ngôi tháp này sau khi được xây mái che chụp lên trên đã mau chóng xuống cấp, mủn ra. Trong khi đó, tháp ở gần đó, trong cùng điều kiện nhưng không có mái che vẫn hoàn toàn bình thường. “Việc bảo tồn di tích hay hiện vật phải dựa trên tính chất của di tích và hiện vật. Không có phương pháp nào tốt với tất cả các di tích và hiện vật”, ông Vinh nói.
Trưng bày phiên bản mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 Ảnh: Xuyên Vân
Phải có nghiên cứu riêng trong phòng thí nghiệm
Về việc xuống cấp của mộc bản triều Nguyễn tại kho lạnh của Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, theo bà Phụng, nhiệt độ quá thấp đã làm ván gỗ bị cong vênh. Hiện tại, trung tâm đã tăng nhiệt độ trong kho lên cao hơn để tránh làm mộc bản xuống cấp thêm. Mặc dù vậy, theo một chuyên gia ở Viện Bảo tồn di tích, điều này cũng chưa thực sự bảo đảm mộc bản sẽ không bị xuống cấp tiếp. “Chúng ta cần đưa ra phương án bảo quản mộc bản dựa trên chính hiện trạng của mộc bản ấy, như mộc bản đã in nhiều lần hay chưa; mộc bản có độ ẩm mốc như thế nào, chất liệu gỗ của mộc bản ra sao...”, vị chuyên gia chia sẻ.
Theo TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm), kho tàng mộc bản nước ta đa dạng và nằm rải rác ở nhiều nơi. Mộc bản triều Nguyễn chỉ là một phần trong số đó. Bên cạnh các kho mộc bản do nhà nước quản lý, còn có các kho mộc bản Phật giáo tại các chùa. Cũng có cả các kho mộc bản Đạo giáo, Thiên Chúa giáo. Nhiều mộc bản còn nằm rải rác trong dòng họ, nhà thờ. Giới cổ ngoạn cũng nắm trong tay nhiều mộc bản. Với sự rải rác của các kho mộc bản như vậy, việc nghiên cứu quy trình để bảo quản mộc bản là vô cùng cần thiết. Quy trình này sau khi hình thành cần được phổ biến tới những người đang giữ mộc bản.
Bên cạnh việc nằm rải rác, bảo quản mộc bản còn gặp khó vì những quan niệm đơn giản. Chẳng hạn, theo TS Nguyễn Sử (Viện Tôn giáo), có những nơi mộc bản được lưu giữ trong chùa và điều kiện bảo quản còn lỏng lẻo. Thậm chí người dân lui tới chơi cũng có thể tiện tay rút vài tấm ván khắc mang về. Hoặc cũng có quan điểm mộc bản không thể bị mối mọt vì đã có lớp mực in phủ lên trên. Trong khi đó, theo một nhà nghiên cứu tại Viện Văn hóa, ở Huế nhiều mộc bản trong dân đã bị mối mọt.
Nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Viện Lâm nghiệp) cũng cho thấy nguy cơ mộc bản nhiễm nấm mốc nếu không có quy trình bảo quản tốt là rất cao. “Chẳng hạn, ở hai chùa Bổ Đà và Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), có tới 73% mộc bản bị nấm mốc ở hai mặt. Thậm chí, gần như tất cả các mẫu ở chùa Bổ Đà đều phát hiện nấm mốc. Có những bề mặt mộc bản ở chùa Bổ Đà bị nấm mốc tới 90% diện tích”, bà Ngọc cho biết.
Chính vì thế, theo bà Phụng, đã đến lúc không thể chỉ trông chờ vào kho lạnh. Cần có những nghiên cứu bảo tồn để kết luận loại mộc bản chất liệu ra sao sẽ giữ được trạng thái tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm bao nhiêu. Như thế, kho tàng mộc bản mới không bị mai một.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.