Mộc mạc, đậm đà bánh da lợn miền Tây

19/09/2014 01:22 GMT+7

Với người miền Tây, bánh da lợn ăn vào mùa mưa, nhất là tháng mưa dầm, lúc làm đồng bụng đói, tay run thì không còn gì sung sướng hơn.

Hiện nay, bánh da lợn không là món đặc sản riêng của miền nào, Nam, Trung hay Bắc. Nhưng ở mỗi miền, món bánh sẽ mang hương vị khác nhau. Nếu như ở Hội An, bánh mang hương vị thanh thao, thì ở miền Tây lại mộc mạc, đậm đà, ăn một lần sẽ nhớ mãi. Ở quê tôi, nó đã từng là sợi dây gắn kết những mối tình…
>> Mộc mạc bánh dừa Bến Tre
>> Thương nhớ bánh cục Bến Tre

Với người miền Tây, bánh da lợn ăn vào mùa mưa, nhất là tháng mưa dầm, lúc làm đồng bụng đói, tay run thì không còn gì sung sướng hơn. Nên hồi đó, dì tôi rất hay làm bánh da lợn mang ra đồng để ăn đỡ đói trong giờ nghỉ giải lao. Gặp những khi làm vần công, dì hấp đến 2 -3 xửng mang ra đãi khách.

Mộc mạc, đậm đà bánh da lợn miền Tây 1
Bánh da lợn miền Tây nồng đượm tình yêu thương - Ảnh: Giang Vũ

Ở quê tôi, hồi xưa, giữa các chủ ruộng với nhau hay có tục làm vần công, không thuê người làm trả công như bây giờ. Nghĩa là đến mùa gieo hay gặt lúa, các chủ ruộng sẽ làm cách nhau vài ngày, người của gia đình này sẽ sang làm không công cho gia đình kia, và ngược lại. Giữa buổi làm có giờ nghỉ giải lao, người làm sẽ được đãi món ăn gì đó. Các chủ ruộng hay làm món bánh da lợn đãi nhau trong mùa mưa vì món ngon đậm đà này sẽ giúp người ta ăn nhiều và no lâu, làm việc hiệu quả hơn dù làm rất kỳ công, đòi hỏi người làm phải mất nhiều thời gian.

Để có thể ra đồng cùng với những xửng bánh da lợn từ sáng sớm, từ 2 giờ khuya, dì tôi đã phải lục đục dậy xay bột, nấu đậu xanh, nạo dừa vắt nước cốt, giã lá dứa. Và từng công đoạn đều phải làm một cách hết sức có kinh nghiệm mới cho ra xửng bánh thơm ngon, đậm đà như ý.

Đậu xanh đem vo sạch, cho vào nồi đổ xâm xấp nước và hấp chín. Sau khi đậu chín thì xới ra giã nhuyễn. Lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ, giã nát, vắt lấy nước. Với lá dứa không nên dùng quá nhiều vì bánh sẽ có mùi hăng, dùng với số lượng vừa đủ sẽ cho bánh có mùi thơm nhẹ.

Với dừa nạo, nên vò với nước ấm, vắt lấy nước cốt để riêng. Bột năng, bột gạo, đường được chia ra làm hai phần để làm nguyên liệu cho hai lớp bánh khác nhau. Lấy một phần trộn đều với phần nước cốt dừa, lược qua rây, cho đường khuấy tan và đậu xanh giã nhuyễn vào. Phần còn lại cho nước lá dứa giã nát vào rồi cho đường khuấy tan vô, lược lại qua rây lần nữa.

Sau đó, bắt xửng hấp lên bếp, lót một lớp dầu ăn vào lòng xửng để bánh không bị dính vào rồi đổ từng lớp mỏng xen nhau giữa hai loại bột vào xửng hấp. Người làm bánh phải đợi từng lớp bột thật chín mới đổ tiếp lớp bột khác… Cứ thế làm tương tự cho đến khi hết bột thì thôi.

Thông thường, xửng bánh chín thì cũng đã tờ mờ sáng, vậy là theo luôn dì tôi ra đồng. Đến trưa, dì mang ra, dùng dao cắt từng miếng mời mọi người. Vừa ăn vừa uống nước, cười nói râm ran, thấm đượm tình làng nghĩa xóm.

Nghe ngoại kể, ngày đó, món bánh này đã từng như sợi tơ mai mối nhiều mối tình, trong đó có mối tình của dì tôi. Số là trong những người khách làm vần công cho ruộng nhà ngoại có một người đàn ông cực kỳ thích ăn món bánh da lợn, trong khi dì tôi lại làm món này rất khéo. Vậy là sau mùa vụ làm lúa đó, dượng rước dì về dinh luôn.

Giờ thỉnh thoảng dì vẫn làm món đó đãi dượng và khách đến nhà chơi. Nhưng giờ ngoài việc làm bánh ngon, dì còn để ý đến cách trình bày sao cho đẹp hơn. Không cắt bánh bằng dao nữa mà cắt bánh bằng một sợi chỉ với thao tác dùng hai tay căng sợi chỉ ra và xắn xuống bánh, từng miếng bánh lúc này trông sẽ vuông vắn hơn.

Cắn một miếng bánh dẻo thơm bột gạo nếp hòa cùng vị ngọt ngào nhân đậu xanh, nước dừa béo ngậy, lá dứa thơm nhè nhẹ rồi hớp một ngụm trà sen thơm nóng sẽ khiến người ăn nhớ mãi món bánh tuy mộc mạc nhưng đậm đà nghĩa tình này…

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.