Mộc mạc làng cổ Đường Lâm

20/11/2011 18:52 GMT+7

Ai bước chân vào làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng chắc hẳn dậy lên cảm xúc khó tả về một làng quê truyền thống Việt Nam.

Ai bước chân vào làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng chắc hẳn dậy lên cảm xúc khó tả về một làng quê truyền thống Việt Nam.

Từ xa, làng cổ Đường Lâm xuất hiện trước mắt du khách với vẻ cổ kính. Cổng làng với cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi, nằm ngay bên cạnh ao sen đã khiến bao du khách tưởng tượng nhiều điều kỳ thú về ngôi làng này. Đi sâu vào trong làng, khung cảnh cây đa giếng nước ấy cứ dần hiện ra, làm du khách phải ngỡ ngàng. Khó có một ngôi làng nào ở Việt Nam thời nay còn lưu giữ những nét đặc thù ấy. Dường như tất cả những nét cổ của văn hóa làng xã nông thôn Việt đều hội tụ ở Đường Lâm.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng cổ Đường Lâm vẫn cứ lặng lẽ nép mình bên cuộc sống hiện đại. Dĩ nhiên, điều làm nên đặc thù của ngôi làng này là đường làng, giếng nước cổ, mái ngói, tường đá ong, cổng đá ong già nua với cửa gỗ ở từng nhà dân, rồi đến đình chùa… đều mang đậm bản sắc nông thôn Việt Nam. Nhà nào cũng làm bằng đá ong, tường rào nào cũng lấy đá ong làm vật liệu chính, và leo trên những bức tường đá ong kỳ lạ đó là những cây dây leo huyền bí, làm tô điểm thêm cái không khí vắng lặng và thanh bình ở Đường Lâm.

 
Cây đa, cổng làng gợi nhớ nhiều kỷ niệm về làng quê Việt - Ảnh: Lê Hân

Nếu du khách đến Đường Lâm vào mùa gặt lúa, thì các con đường trải dài với mùi rơm rạ thơm phức chắc chắn sẽ làm nao lòng người viễn xứ. Chính vì thế du khách sẽ được hoàn toàn thư thái trước không khí và khung cảnh nơi đây, quên đi bao lo toan của cuộc sống cơm - áo - gạo - tiền.

 

Đường Lâm được Nhà nước phong tặng là di tích quốc gia năm 2005 và là làng cổ đầu tiên của cả nước được xếp hạng di tích.

Đường Lâm có gần 100 ngôi nhà cổ truyền thống tập trung ở các làng liền kề nhau như Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh... Dù có thay đổi theo thời gian, nhưng khá nhiều phong tục tập quán hàng trăm năm nay người dân vẫn còn lưu giữ. Đường Lâm còn bảo lưu được một tập hợp thư tịch khá phong phú nhằm ghi chép công lao, sự tích của các nhân vật thờ cúng trong di tích, về quá trình xây dựng, tu bổ tôn tạo với sự hưng công, và cả ghi chép những người có công lớn với làng. Đường Lâm cũng có nhiều cổ vật qua nhiều thời kỳ, cổ nhất là tấm bia Phụng tự bi ký ở Cam Lâm, khắc năm Hồng Đức 4 (1473) ghi nhớ về việc thờ cúng Phùng Hưng, tấm bia Sùng Nghiêm tự bi ký ở chùa Mía khắc năm Đức Long 6 (1634) ghi việc trùng tu chùa vào năm 1632… Hay bản gia phả họ Giang được biên soạn năm Tự Đức 8 (1854) gồm 56 trang chữ Hán, ghi đầy đủ lời tựa, tên hiệu, công việc, ngày mất… của các thế hệ thuộc nhiều chi phái trong dòng họ khá cụ thể… Người dân Đường Lâm cũng tự hào về “địa linh, nhân kiệt”, khi nơi đây là đất 2 vua - 2 vị anh hùng dân tộc là Phùng Hưng, Ngô Quyền; là quê hương của nhà ngoại giao lỗi lạc Giang Văn Minh và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử như Phan Kế Toại, Kiều Oánh Mậu…

Căn nhà lâu đời nhất có khi lên đến 400 năm tuổi. Mỗi ngôi nhà có nét đặc thù riêng làm nên tổng thể cho làng cổ Đường Lâm càng thêm đắt giá. Người dân nơi đây quan niệm rằng tụ thủy sinh tài, nên nhà nào mặt sân cũng thấp hơn mặt đường, để khi trời mưa, nước sẽ hội tụ về sân rồi sau đó  thoát ra đường cống. Người xưa đã đầy dụng ý khi sắp xếp làng theo trục đường xương cá, với một trục chính. Chính vì vậy, nhà dân trong làng hiếm khi mất mát thứ gì.

Ngoài việc trồng lúa như bao miền quê khác, nghề truyền thống của người dân Đường Lâm là nghề làm tương. Nhà nào cũng có những vựa chum làm tương trước sân nhà. Giờ đây khi làng cổ Đường Lâm thu hút khá đông du khách, người dân còn làm thêm những sản vật truyền thống bánh kẹo địa phương để giới thiệu .

Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Đường Lâm tập trung vào các lĩnh vực: Bảo tồn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn không gian làng cổ; bảo tồn không gian nhà cổ; bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn bó mật thiết với di sản văn hóa vật thể đặc biệt là các di tích tôn giáo, tín ngưỡng; bảo tồn văn hóa ẩm thực và phong tục tập quán. Tuy nhiên điều đáng tiếc cho làng cổ Đường Lâm là đường đi trong làng lát gạch đã “được” người ta thay thế bằng lớp bê tông không phù hợp với kiến trúc và cảnh quan nơi đây, làm mất đi khá nhiều nét cổ kính. Cũng như bên trong làng đã dần có một vài ngôi nhà xây mới. Đây cũng là bài toán cho các nhà quản lý du lịch, làm sao để hài hòa giữa bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời người dân cũng được đảm bảo những quyền lợi sinh hoạt cơ bản của mình. Nếu mạnh ai nấy làm thì chắc hẳn trong tương lai không xa làng cổ Đường Lâm chỉ còn là hoài niệm. 

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.