Trước đó chưa lâu, cũng có 4 doanh nghiệp tương tự bị phạt. Trước đó nữa cũng đã có khá nhiều công ty kinh doanh trong lĩnh vực này "lĩnh án"...
Nhưng thông tin này không mang lại tí hy vọng nào về khả năng ngăn chặn tin nhắn rác đối với người dùng điện thoại di động bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, một điều dễ nhận thấy là thời gian gần đây, tin nhắn rác từ nhà mạng thuộc diện nhiều nhất. Đặc biệt khoảng 1 tháng trở về đây, nhiều chủ thuê bao phàn nàn mỗi ngày họ nhận ít nhất 5 - 7 tin nhắn quảng cáo các dịch vụ của nhà mạng thay vì tin nhắn quảng cáo dự án, bán bất động sản như trước. Nhưng "đối tượng" phát tán nhà mạng lại "lọt lưới", không bị phạt.
Thứ hai, các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số muốn phát tán tin nhắn rác... cũng phải nhờ nhà mạng. Hiện chúng ta có khoảng 200 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ nội dung số đều là đối tác của nhà mạng. Tỷ lệ ăn chia giữa 2 bên thông thường 50% - 50%, 55% - 45%, thậm chí nhà mạng hưởng đến 60%. Cứ một tin nhắn rác khoảng 300 đồng được phát đi, nhà mạng bỏ túi một nửa. Khoản lợi nhuận kếch sù này là lý do các nhà mạng xưa nay chưa bao giờ nhiệt tình trong chuyện ngăn chặn tin nhắn rác, ngay cả khi họ hứa hẹn, ký cam kết ngăn chặn tin nhắn rác với cơ quan quản lý.
Thứ ba, không chỉ để nhà mạng "lọt lưới", mức phạt cho hành vi phát tán tin nhắn rác so với lợi nhuận của các DN này, so với những phiền phức, hệ quả mà họ gây ra cho khách hàng thì quá nhẹ. Như trường hợp 7 DN nói trên, tổng số tiền phạt chỉ 280 triệu đồng, tính trung bình mỗi DN chỉ 40 triệu đồng. Chế tài không đủ nặng là một trong những lý do quan trọng khiến chúng ta chật vật với vấn nạn tin nhắn rác suốt năm này qua năm khác. Thậm chí nó còn có thể "kích thích" các DN khác vi phạm để kiếm lời.
Dẫn lại để thấy việc quản lý, xử phạt... tin nhắn rác hiện nay chưa đúng đối tượng. Ngay cả việc yêu cầu chủ thuê bao di động phải chụp hình cũng vậy. Nó cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn tin nhắn rác, nhưng "siết" khách hàng không phải là giải pháp tối ưu kể cả về mặt quản lý lẫn hiệu quả. Muốn hạn chế tối đa tin nhắn rác, nhà mạng phải là đầu nguồn để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn và quy trách nhiệm.
Tin nhắn rác giờ không đơn thuần là quảng cáo dịch vụ, bán hàng... làm phiền đến các chủ thuê bao di động mà càng ngày càng biến tướng với đủ các kiểu dẫn dụ để móc tiền khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Đó là lý do người dùng ngày càng ghét, càng sợ, càng phản ứng mạnh mẽ với nó.
Thế nhưng cứ phạt cái ngọn mà cái gốc - là chính nhà mạng - lại buông lỏng, trông chờ sự tự giác hay những hứa hẹn, cam kết của họ thì có lẽ chẳng bao giờ chúng ta đẩy lùi được vấn nạn tin nhắn rác.
Bình luận (0)