Tuy nhiên, xung đột sắc tộc và tôn giáo ở bang Rakhine dai dẳng suốt mấy tháng nay cho thấy hòa giải chính trị chưa giúp được gì cho hòa hợp dân tộc tại đây.
Từ lâu, khu vực này tiềm ẩn nguy cơ xung đột sắc tộc và tôn giáo, giữa người theo Hồi giáo với Phật giáo, giữa người bản xứ và người di cư, giữa Myanmar và Bangladesh. Thời nay khác thời trước nên những xung khắc chưa được giải quyết ổn thỏa mà vẫn luôn âm ỉ tồn tại chỉ cần một nguyên cớ nhỏ cũng đủ để bùng phát thành xung đột nghiêm trọng. Những gì xảy ra ở Rakhine trở thành một trong những thách thức chính trị xã hội lớn nhất đối với chính phủ lẫn phe đối lập Myanmar.
Trước khi khởi động tiến trình hòa hợp sắc tộc và tôn giáo thì phải vãn hồi an ninh và ổn định. Chính phủ Myanmar chỉ có thể làm được việc đó nếu có kế hoạch khả thi và lộ trình cụ thể về hòa hợp dân tộc. Trong những vấn đề đó, cần phải giải quyết quy chế pháp lý cho cộng đồng người Rohingya. Đồng thời Myanmar cũng cần thương thảo với chính quyền Bangladesh về địa vị pháp lý cũng như nguồn gốc sắc tộc và tôn giáo của cộng đồng này.
Thách thức lớn đối với Myanmar là phải tìm giải pháp chung cho cuộc xung đột dựa trên cơ sở thực tế lịch sử. Nếu không, cuộc xung đột sẽ làm tổn hại không ít cơ hội phát triển mà nước này có được nhờ nỗ lực cải cách gần đây.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)