Suy nghĩ kỹ càng những ý kiến trên, một số cử tri còn phân vân bởi khó tìm được cái tuyệt đối đúng trong mỗi loại ý kiến. Nếu giữ y như trước tới nay thì pháp luật khó ứng dụng vào những trường hợp cụ thể, một quyết định của Quốc hội hay của Chính phủ đã ra rồi nhưng cần chờ đợi các văn bản dưới luật, thường do các bộ liên quan ban hành và thời gian này thường không ngắn, thậm chí từ khi có quyết định chung đến lúc được hướng dẫn thi hành, khoảng cách tính bằng đơn vị năm. Như vậy, hiệu quả của pháp luật khó mà cao được, khó mà giải đáp kịp thời trước những thực tế “nóng hổi”. Tập trung kiểu nào đó chính là hình ảnh của quan liêu, không loại trừ khả năng quan liêu đồng nghĩa với cửa quyền, với cục bộ từng ngành. Còn chủ trương cho phép các cơ quan chính quyền - cả ủy ban hay chủ tịch - ban hành các văn bản mang tính pháp luật, tức mang tính bắt buộc thực hiện ở từng địa phương, thì chắc chắn sẽ “trăm hoa đua nở” về quy định pháp luật... Một hiện tượng “cát cứ” như thế sẽ làm cho quyền lực nhà nước suy giảm và tính khả thi cũng không cao. Chúng ta có khá nhiều bằng chứng về kiểu “rừng nào cọp nấy” này. Ngay ở đô thị lớn, địa bàn được phân chia quản lý mà làn ranh là các con đường, phía bên này đường thuộc phường A (thậm chí quận A) và phía bên kia đường thuộc phường B (quận B); bên A cấm bán thuốc lá nhập lậu thì người bán thuốc chỉ làm một việc giản đơn là mang thùng thuốc sang bên B, nơi an toàn, và ngược lại. Gần đây, cơ quan quản lý trật tự có cải tiến, không phân chia máy móc địa bàn như cũ nhưng chưa phải đã giải quyết tận gốc. Đọc báo chúng ta biết, ở thành phố Biên Hòa có cả một phường gồm nhiều quán karaoke... thoát y vũ. Phường bên cạnh không có, vì loại hình ấy bị cấm, trong khi phường này được hành nghề thoải mái.
Chỉnh đốn tình trạng mất dân chủ, độc quyền không thể bằng cách cho phép “mạnh ai nấy làm”. Trên tất cả, trình độ dân trí chung của nước ta cần thời gian để nâng lên, để tạo một mặt bằng đồng đều trong xã hội, đồng thời các cán bộ tham gia chính quyền ở các cấp, không chỉ cấp cơ sở mà cả các cấp cao hơn, cần được đào tạo cơ bản, làm việc theo luật chứ không theo “hứng” hoặc “lệ”.
Đẩy lùi nạn quan liêu cực kỳ bức xúc, đồng thời đảm bảo sự thống nhất quyền lực nhà nước cũng bức xúc tương ứng. Tất nhiên, phạm vi Quốc hội cho phép các cấp hành chính ra văn bản pháp luật sẽ kèm những hướng dẫn cụ thể, song đến UBND xã phường mà được sử dụng các quyền “ban hành văn bản” thì cái không ổn sẽ khó tránh. Theo tôi, đó không phải là dân chủ hóa bộ máy chính quyền. Trung ương tập quyền mạnh khi tập quyền ấy đòi hỏi có được sự thể hiện ở từng địa phương theo điều kiện riêng của mỗi địa phương và chính điều kiện của mỗi địa phương cộng lại tạo cho trung ương cái nền tảng thực tế, tức nền tảng dân chủ và địa phương phải tuân phục quy định chung. Mối quan hệ biện chứng ấy mà cân bằng được thì ổn định và phát triển sẽ song hành. Có lẽ tốt hơn nhiều nếu ở trung ương tập trung lo cho những “siêu nghị định” - chữ báo chí dùng để chỉ hai nghị định về nhà đất mới nhất của Chính phủ, do Bộ Công nghệ và Môi trường chuẩn bị - vừa bao quát nguyên tắc chung vừa đi vào thực hành chi tiết. Tất nhiên, các địa phương - chủ yếu, cấp tỉnh - có thể đề đạt ý kiến bổ sung, hoặc kiến nghị về vận dụng và Chính phủ sẽ xét ngay, hoặc bổ sung nghị định (nếu đáng bổ sung), hoặc đồng ý cho địa phương thực hiện theo đặc thù của địa phương.
Chỉnh đốn pháp luật giống như uốn một thân tre, yêu cầu là uốn ngay, chứ không phải kéo thân tre vốn cong về phía ngược lại - cũng cong. Bất cứ cực đoan nào cũng bất lợi...
11/2004
Trần Bạch Đằng
Bình luận