(TNO) Ngày 21.10, trong văn bản gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội tại TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, tính đến nay có 4 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố xây dựng hoàn thành, với quy mô 294 căn.
|
Trong đó, đã bố trí 232 căn cho các đối tượng được xét duyệt thuê và thuê mua theo Quyết định số 86/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành đến nay, thành phố đã chấp thuận đầu tư 26 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích đất 86,7 ha với khoảng 22.950 căn nhà ở xã hội.
Trong đó, có 20 dự án có đất do Nhà nước trực tiếp quản lý với tổng diện tích đất 73,162 ha, dự kiến đầu tư được 15.961 căn nhà ở xã hội, với tổng mức đầu tư 10.470 tỉ đồng.
Trong năm 2013, thành phố phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 dự án với quy mô 3.000 căn hộ nhà ở xã hội (trong đó bố trí bán khoảng 565 căn, số căn hộ còn lại khoảng 2.435 căn được bố trí cho thuê, thuê mua).
Gói 30.000 tỉ: Mới giải ngân hơn 15 tỉ đồng
Về tình hình cho vay, theo ông Nguyễn Hữu Tín, sau khi triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7.1.2013 của Chính phủ với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, đến nay, mới có 120 khách hàng cá nhân tiếp cận vay vốn, ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng thương mại; số tiền giải ngân mới hơn 15 tỉ đồng.
Nguyên nhân được chỉ ra là hiện nay nhiều khách hàng thu nhập thấp có nhu cầu muốn vay hỗ trợ nhà ở, tuy nhiên với thời hạn vay tối đa 10 năm, sau khi trừ các chi phí thiết yếu, thu nhập còn lại của một số đối tượng khách hàng quá thấp, không đủ để đảm bảo khả năng trả nợ đúng thời hạn. Do đó có hạn chế trong tiếp cận vốn vay.
Bên cạnh đó, hiện nay, các văn phòng công chứng không đồng ý công chứng đối với các hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai do chưa có quy định về loại hình thế chấp này. Ngoài ra, ngân hàng cũng không thể giao dịch bảo đảm cho các nhà ở thế chấp hình thành trong tương lai để đảm bảo khoản vay...
Kiến nghị ưu đãi lãi suất cho người dân mua nhà ở thương mại
Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và để tình hình bất động sản không còn “đóng băng” kéo dài, UBND TP.HCM kiến nghị đối với căn hộ (thuộc dự án nhà ở thương mại) có diện tích lớn hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, thì cần giải quyết theo hướng:
Đối với phần diện tích dưới 70m2 trở xuống thì được xem xét cho vay ưu đãi với phương thức và lãi vay tương tự như gói 30.000 tỉ đồng; đối với phần diện tích dôi dư còn lại của căn hộ thì không được Ngân hàng nhà nước hỗ trợ lãi vay;
Hoặc kiến nghị có thể cho vay ưu đãi theo phương thức và lãi vay của gói 30.000 tỉ đồng cho loại nhà có diện tích lớn hơn 70m2 này, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nếu người dân lần đầu tiên tạo lập nhà ở của mình.
Để tạo thanh khoản, kích thích thị trường bất động sản, cần chuyển một phần nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, đề nghị miễn 100% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội.
Xem xét giảm thuế VAT đối với người mua nhà lần đầu; xem xét khoanh nợ xấu, giảm lãi suất tín dụng, thiết lập các gói tài chính hỗ trợ; ban hành bộ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế chung cư căn hộ vừa và nhỏ để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện; xem xét điều chỉnh quy định tỷ lệ căn hộ trong chung cư, để doanh nghiệp tự lựa chọn...
Đình Phú
>> Đề nghị tăng thời gian cho vay mua nhà ở xã hội
>> Chuyển một dự án sang làm nhà ở xã hội
>> Bàn giao nhà ở xã hội hưởng gói 30.000 tỉ đồng đầu tiên trước tết
>> Sẽ cho phép chủ đầu tư nhà ở xã hội nhận đặt cọc mua nhà
>> Đã có nhà ở xã hội giá 6 triệu đồng/m2
>> TP.HCM bàn giao thêm 105 căn nhà ở xã hội
>> Bàn giao hơn 100 căn nhà ở xã hội
>> Dự án nhà ở xã hội bị nghi lách luật để huy động vốn
Bình luận (0)