Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng! - Kỳ 3: Không thể áp đặt

22/08/2014 02:25 GMT+7

Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng! là cách làm không khả thi, thiếu sự đồng thuận của nhân dân và nhiều nhà khoa học.

 Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng!

>> Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng ! - Kỳ 2: Khi nhà quản lý chuộng hình thức
>> Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng !

Trong mấy ngày qua, hàng trăm ý kiến của bạn đọc, các nhà khoa học, bác sĩ... gửi về Báo Thanh Niên thể hiện sự bất đồng với đề án mà Sở GD-ĐT TP.HCM vừa đưa ra.

Loạt bài mà Báo Thanh Niên đăng tải nhằm đóng góp chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI. Thanh Niên cũng xin nêu rõ quan điểm: Không chống lại việc áp dụng công nghệ mới vào dạy và học. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình với việc Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng! bởi vì nó thiếu căn bản về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để hình thành một đề án. Chúng tôi đề nghị nhất thiết cần phải có một quá trình nghiên cứu thật kỹ càng trước khi thí điểm, đúng với sự chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, quan điểm của Bộ GD-ĐT. 

5 điều kiện để thực hiện

Trước buổi hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” do Sở GD-ĐT tổ chức vào ngày 18.8, đã có một buổi hội thảo với nội dung tương tự diễn ra đúng một tháng trước. Tại buổi hội thảo ngày 18.7, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng muốn làm thành công đề án này phải có 5 yếu tố.

Thứ nhất có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước thúc đẩy phát triển giáo dục tạo ra nguồn lao động chất lượng cao. Đó là một trong 6 chương trình đột phá của thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 9 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sự phát triển bền vững của thành phố. Thứ hai, muốn làm được phải đào tạo và có được đội ngũ thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục am hiểu, được huấn luyện kỹ, thành thạo về chuyên môn để truyền thụ cho học sinh. Thứ ba, phải có nội dung đảm bảo chất lượng, đúng quy định về chương trình giáo dục quốc gia do Bộ GD-ĐT ban hành. Thứ tư mới nói đến công nghệ, đó là công cụ để huấn luyện, truyền thụ kiến thức cho học sinh. Thứ năm, phải có sự đồng thuận cao trong nhân dân, trong phụ huynh học sinh.

“Nếu 5 yếu tố này không hoàn thiện thì sẽ không thành công. Nó là mối liên kết, liên hệ, hỗ trợ, hỗ tương để hoàn thiện đề án này”, ông Thuận khẳng định. Cũng theo ông Hứa Ngọc Thuận, đề án cần phải gửi các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, tiếp thu hết tất cả các ý kiến. “Sau khi hoàn thiện, thấy yên tâm thì vào đầu năm học mới 2014 - 2015, lấy ý kiến của phụ huynh, cái này rất quan trọng. Phụ huynh có đồng thuận không, con em họ học như thế có chi trả nổi không, học sinh nghèo thế nào… Rất nhiều nội dung cần phải cụ thể và phải được sự đồng thuận rất cao”, ông Thuận kết luận.

Phải có nghiên cứu, lý lẽ khoa học

Trả lời  phóng viên Thanh Niên cuối chiều qua (21.8), ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ chưa nhận được báo cáo của TP.HCM xung quanh đề án”.

Theo ông Định, TP.HCM có những điều kiện thuận lợi về mặt kinh tế, xã hội, dân trí… nên việc thực hiện đổi mới giáo dục có thể có những thực nghiệm đi trước một bước để đẩy nhanh chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, ông Định cũng nêu nguyên tắc việc thực nghiệm bất cứ nội dung gì trước hết phải có sự đồng tình của phụ huynh học sinh và được các cấp thẩm quyền cho phép, tất nhiên tùy từng nội dung, mức độ của những nội dung đưa vào dạy học trong nhà trường. “Không thể có chuyện áp đặt bắt phụ huynh phải thực hiện khi họ không đồng tình và không có điều kiện đáp ứng vì rõ ràng là có liên quan đến túi tiền của phụ huynh”, ông Định khẳng định.

Ông Định cho rằng sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng của TP.HCM của đề án liên quan đến sách giáo khoa, đến đối tượng là người học nên nhất thiết phải xin ý kiến Bộ. Còn máy tính bảng liên quan đến kinh phí thì phải xin phép chính quyền, cụ thể ở đây là UBND thành phố.

Ông Định cho biết: “Hiện nay, Bộ chưa nhận được báo cáo xin phép của Sở GD-ĐT TP.HCM vì họ mới chỉ tổ chức hội thảo để thăm dò ý kiến. Nếu thấy khả thi thì họ mới tiếp tục hoàn thiện đề án và xin phép các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, qua thông tin của báo chí và dư luận xã hội, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM báo cáo cụ thể những vấn đề liên quan đến đề án này”.

Ông Định cũng cho hay một đề án liên quan đến giáo dục, chắc chắn về mặt nguyên tắc phải trả lời được đầy đủ các câu hỏi và đưa ra được các lý lẽ về mặt khoa học, có kết quả nghiên cứu, phân tích những tác động của nó đối với việc dạy và học; cách thức thực hiện ra sao... “Giả sử đề án của địa phương trình lên liên quan đến vấn đề này thì Bộ sẽ tổ chức hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu và phân tích về những tác động của nội dung đề án. Trên cơ sở đó Bộ mới quyết định cho phép triển khai thực hiện hay không”, ông Định nhấn mạnh.

Sự tương tác giữa thầy trò là những giá trị không thể đo lường được

Tôi có một mối quan tâm cực kỳ lớn về tất cả mọi loại hình giáo dục số, không chỉ do đặc thù nghề nghiệp mà còn bởi những suy tư về việc dạy con.

Tất cả các nghiên cứu xã hội đều nói việc dùng các thiết bị số quá nhiều rất không tốt cho phát triển tư duy. Tư duy trẻ con được phát triển tốt nhất khi các con vui chơi một cách tự nhiên mà không cần dùng một hình thức công nghệ nào để kích thích não.

Nói một cách nôm na, những suy nghĩ sâu sắc nhất trong lịch sử nhân loại là nhờ bạn ngồi nhìn quả táo rơi rồi suy nghĩ một cách trừu tượng chứ không phải nhờ nhìn chăm chăm vào một cái màn hình. Nếu trẻ sử dụng nhiều ti vi và thiết bị số thì sẽ không tự suy nghĩ được một khi không có một chất xúc tác theo kiểu số từ bên ngoài. Bạn phải biết rằng cái não của mình cũng rất lười, nó dễ bị lệ thuộc vào các chất xúc tác.

Vì những điều trên mà tôi cho rằng người thầy mới là nhân vật có thể làm tốt nhất vai trò giáo dục học sinh trong nhà trường. Có thể tôi hơi bảo thủ chăng? Nhưng với tư cách là một người đã và đang đi dạy từ hàng chục năm nay thì tôi thấy sự tương tác giữa thầy trò là những giá trị không thể đo lường được trong giáo dục. Thầy chỉ nhìn học trò bằng một ánh mắt nào đó thôi là tính truyền cảm trong bài giảng của thầy rất khác với việc trò ngồi xem video.

PGS Ngô Quang Hưng
(ngành khoa học máy tính ĐH bang New York ở Buffalo)

Lê Đăng Ngọc (ghi)

Tôi cố ngăn con tiếp xúc với máy tính bảng

Có những giây phút hỉ hả khi thấy con dùng các phương tiện công nghệ thành thạo không thua gì người lớn là tâm trạng những ngày đầu của các bậc phụ huynh cho con em tiếp xúc với máy tính bảng. Nhưng không lâu sau, không ít cha mẹ đã phải “điên đầu” khi con mình bị chi phối mạnh vì thiết bị này.

Anh Nguyễn Duy Tùng (Q.5, TP.HCM) kể:  “Con gái tôi năm nay bắt đầu vào lớp 1, hễ đi đâu thì thôi, cứ ngồi một chỗ là đòi chơi iPad. Có khi trong lúc ăn, cháu cũng dán mắt vào chơi trò chơi. Tôi không đồng ý thì cháu giận, khóc lóc, không chịu ăn… Bây giờ nghe thông tin nếu học bằng máy tính bảng nữa thì không biết hạn chế cháu sử dụng như thế nào?”. Con út của chị Hồ Hoài Thu đang học lớp 1 tại Q.Phú Nhuận mê chơi các trò chơi trên máy tính bảng và điện thoại. “Thấy cháu mê những trò chơi bạo lực, hò hét, đánh đấm, xả súng ầm ầm, gia đình la mắng rồi đánh đòn nhưng cháu vẫn tìm mọi cách để chơi. Đấy là ở nhà mà gia đình tôi còn chưa thể kéo cháu thoát ra được, bây giờ học ở trường, một lớp 50 học sinh, làm sao giáo viên quản lý cho xuể. Nói gì thì nói, tôi không thấy việc sử dụng máy tính bảng trong nhà trường là khả thi”, chị Hoài Thu chia sẻ.

“Con tôi nay 6 tuổi. Ở nhà cháu rất thích xài máy tính bảng. Tôi nhiều lúc ngăn cản, thậm chí dùng đòn roi để răn đe. Nhưng sau đó, cháu vẫn trở lại như cũ. Mục đích cháu dùng máy tính bảng chủ yếu là chơi game và xem những bài hát tự tạo của giới trẻ. Nhiều phụ huynh chưa có cách nào để ngăn con mình tiếp xúc nhiều với máy tính bảng thì ngành giáo dục lại khuyến khích, thật không hiểu nổi”, chị Nguyễn Thị Minh Châu (Q.7, TP.HCM) tâm sự. 

Còn anh Nguyễn Hữu Tính (Q.5, TP.HCM) kể: “Tôi thấy con không ổn vì cứ rảnh là cháu cầm lấy máy tính bảng, nên vợ chồng tôi mỗi ngày chỉ cho cháu dùng khoảng 1 đến 2 giờ. Có hôm, gần đi ngủ, tôi tìm máy tính bảng để kiểm tra hộp thư nhưng không thấy. Sang phòng con thì phát hiện cháu đang trùm mền chơi game”. Anh Tính đặt vấn đề: “Việc dùng máy tính bảng liệu có tốt cho học tập hơn hay tạo cơ hội cho học trò chơi game?”. 

B.Thanh - Minh Luân

Tuệ Nguyễn - Bích Thanh

 >> Ai trả tiền cho sách giáo khoa điện tử?
>> Xây dựng đề án sách giáo khoa điện tử cho học sinh tiểu học
>> 400 trường phổ thông đã tiếp cận với sách giáo khoa điện tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.