Cái nghịch lý đào vàng lên bán mà lỗ nặng thực sự quá sức tưởng tượng của hầu hết mọi người. Càng nghịch lý hơn nữa nếu nhìn lại quá trình lỗ liên tiếp nhiều năm nay của các công ty này, họ lỗ trong mọi hoàn cảnh.
Giá vàng xuống, lỗ đã đành nhưng khi giá vàng lên họ cũng lỗ; khai thác ít lỗ nhưng ngay cả khi doanh thu tăng mạnh họ vẫn lỗ... Trước khi thông tin Besra lỗ cả ngàn tỉ đồng được đưa ra, 2 công ty Bồng Miêu và Phước Sơn mấy năm nay cũng rất “ồn ào” với chuyện nợ thuế, chây ì nộp thuế, đòi được xóa nợ thuế...
Đáng nói là lỗ triền miên thì họ không hề có ý định đóng cửa mà ngược lại còn xin gia hạn giấy phép khai thác vàng. Và nếu yêu cầu này được đáp ứng, gần như chắc chắn chúng ta lại đối mặt với việc nợ thuế, chây ì thuế dai dẳng. Và họ tiếp tục lỗ thì tất nhiên chúng ta sẽ tiếp tục chẳng thể thu được đồng thuế nào. Dư luận đang đặt câu hỏi, vậy chúng ta cấp phép cho họ khai thác, xuất bán tài nguyên quý của VN để làm gì?
Câu chuyện thua lỗ của các “đại gia” nước ngoài tại VN thực sự đã đến mức báo động. Mấy năm nay, hàng loạt các nghi án chuyển giá trốn thuế cho thấy chúng ta đã và đang đứng trước nguy cơ thất thoát rất lớn từ các “ông lớn” lão luyện này. Nhưng cái mất không chỉ là tiền thuế, mà còn nhiều vấn đề lớn hơn, gây ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vào VN đều được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, giá thuê đất... Nhờ lợi thế này, họ chèn lấn các DN nội cùng ngành nghề. Hãy điểm lại hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất đến dịch vụ sẽ thấy một kết cục buồn, cùng với sự góp mặt của các thương hiệu lớn trên thế giới là sự rơi rụng, biến mất của nhiều DN Việt. Không ít lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đã rơi vào tay DN ngoại cũng vì vậy. Đó là sự trả giá quá đắt bởi bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới cũng phải dựa vào các DN nội. DN nội phải là xương sống để giữ ổn định cho sự tăng trưởng của đất nước.
Trở lại với câu chuyện thua lỗ của đại gia vàng gây bức xúc suốt mấy năm qua. Rất nhiều chuyên gia cũng như không ít lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền đã chỉ ra rất nhiều bất thường từ hoạt động kinh doanh của các đơn vị này nhưng sự việc chưa được giải quyết triệt để. Cứ vài tháng, dư luận lại sôi lên bức xúc khi các đơn vị khai thác vàng nợ thuế đầm đìa nhưng lại đưa ra các yêu sách. Trong khi một nguyên lý đơn giản nhất là nếu “anh” thua lỗ triền miên, nợ thuế lớn không trả được thì cách tốt nhất anh nên giải thể lại không được đề cập. Ngoài chuyện ô nhiễm, mất đi các mỏ vàng, chúng ta hầu như không thu được gì nếu tiếp tục gia hạn, tiếp tục cứ duy trì tình trạng này.
Khai thác, xuất khẩu tài nguyên vốn được ví như “tự ăn thịt mình”. Trong trường hợp này còn tệ hơn, chúng ta đã mời người ta đến để ăn thịt mình.
Bình luận (0)