Mời khách đến trường, đừng dễ dãi!

06/10/2023 04:15 GMT+7

Sự việc một "giang hồ mạng" biểu diễn trước học sinh tại một trường tiểu học, trong trang phục được cho là giống của vua chúa nước ngoài thời phong kiến khiến chúng ta ngỡ ngàng vì sao nhà trường dễ dãi đến vậy!

Nhưng đáng nói hơn, đây không phải lần đầu các trường học gặp sự cố về khách mời.

Gần nhất là trường hợp diễn giả dùng ngôn từ phản cảm, thông tin không chính xác để nói về một nhân vật lịch sử trước hàng trăm sinh viên của một trường ĐH khối ngành xã hội. Sự việc này gây ra nhiều tranh luận sau đó.

Trước đó, diễn giả khách mời cũng tại một trường ĐH bị phát hiện là giả mạo người trong ban tổ chức một chương trình văn hóa và đưa ra những thông tin sai lệch.

Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ đã bất bình thế nào trước nhận định "học ĐH rồi cũng đi làm thuê" của một diễn giả nói trước sinh viên về khởi nghiệp…

Trường học trước nay vốn được xem là nơi chuẩn mực để giúp người học có những hướng phát triển không lệch chuẩn với các giá trị của xã hội, cộng đồng, dân tộc đó. Vì vậy, một ai đó khi được mời đến trường học, đặc biệt là nói chuyện trước học sinh - sinh viên (HS-SV), cần phải được chọn lọc gắt gao về cả về năng lực, kiến thức lẫn văn hóa, đạo đức.

Giao lưu, nói chuyện với HS-SV là vấn đề rất quan trọng. Ở nhiều nước và hiện VN cũng đang theo xu hướng này, thường vào lễ khai giảng hay tổng kết sẽ có một vị khách đặc biệt nói chuyện, truyền thông điệp và tạo cảm hứng cho những người trẻ đang căng tràn sức sống, đầy ắp những hoài bão trước cuộc đời. Đôi khi một lời nói, một câu chuyện từ các khách mời sẽ giúp HS-SV đưa ra những quyết định, có những ngã rẽ hoặc hình thành một lối sống…

Vì vậy, khách mời vào trường học nói chuyện, giao lưu với HS-SV, đặc biệt là HS nhỏ tuổi, cần phải được chọn lọc kỹ càng vì nếu có một thông tin sai lệch, thiếu chuẩn mực gieo vào tâm hồn của HS ngay ở những năm đầu đến trường, từ những người được xem là "nổi tiếng trên mạng", đôi khi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Khi mời giảng viên, khách thỉnh giảng một chương trình học thuật, các nhà trường đều đòi hỏi có lý lịch khoa học chặt chẽ. Ít ra cũng biết rõ người đó như thế nào, trình độ ra sao và sẽ có trách nhiệm rõ ràng với những kiến thức mà khách mời cung cấp cho người học. Thế nhưng tại sao khi mời khách đứng trước hàng trăm HS-SV nói chuyện, trao đổi, giao lưu trong các chương trình, nhà trường có phần dễ dãi và chiều theo thị hiếu?

Các cấp quản lý giáo dục như Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT đã đến lúc cũng cần có những quy định cụ thể với các trường trong việc mời khách giao lưu với HS-SV. Tất nhiên có quy định không có nghĩa là kiểm soát hết được tất cả nội dung khi chương trình diễn ra, nhưng nếu có những bộ lọc trước đó thì sẽ hạn chế được sự cố. Ngược lại, sẽ gây ra những hệ lụy đôi khi rất khó lường.

Khi công nghệ phát triển, các nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến thì bất cứ thông tin nào cũng dễ dàng được lan truyền rộng rãi. Những hình ảnh, thông tin phản cảm, sai lệch từ các khách mời không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến HS-SV tham gia sự kiện mà còn bị phát tán rộng khắp. Khi ấy, dẫu có nhận sai sót, "rút kinh nghiệm" cũng khó mà bù đắp. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.