Mỗi lít xăng có thể giảm gần 5.000 đồng nếu bỏ thuế?

Mai Phương
Mai Phương
05/07/2022 16:20 GMT+7

Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 17 đợt, trong đó có 13 lần tăng tổng cộng gần 12.000 - 14.000 đồng/lít, tương ứng mức tăng gần 52% đã tác động lớn đến mặt bằng giá nhiều loại hàng hóa lên theo.

Mỗi lít xăng có thể giảm được gần 5.000 đồng?

Theo quy định, giá xăng dầu được tính gồm: giá xăng dầu thành phẩm thế giới; các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các khoản thuế. Hiện các loại thuế áp dụng đối với xăng dầu gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó, thuế GTGT 10% là tính sau tất cả các loại thuế và chi phí, lợi nhuận định mức, tương đương hơn 3.100 đồng/lít; thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 2.600 đồng/lít; thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít và còn lại là thuế nhập khẩu gần 2.300 đồng (làm tròn số). Tổng cộng mỗi lít xăng hiện phải “cõng” khoảng 10.000 đồng tiền thuế. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050 - 1.250 đồng một lít xăng; 600 - 950 đồng một lít, kg tùy loại dầu.

Giá xăng dầu chờ được giảm thuế để hạ nhiệt

Độc Lập

Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường cho xăng xuống còn 1.000 đồng/lít và dự kiến áp dụng từ ngày 1.8. Khi đó, mỗi lít xăng sẽ còn gánh chịu 9.000 đồng tiền thuế (giả sử trong trường hợp giá dầu thế giới vẫn đứng yên như hiện nay). Trong khi đó, Bộ Tài chính cho hay đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng dầu. Thế nhưng cụ thể đề xuất giảm bao nhiêu cho hai loại thuế này thì Bộ Tài chính vẫn chưa công bố.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng xăng dầu là quá vô lý vì sản phẩm này là mặt hàng thiết yếu cả trong đời sống lẫn sản xuất. Hơn nữa, các loại thuế đang được tính theo công thức thuế chồng thuế nên khiến số tiền người dân phải gánh chịu càng tăng cao. Vì vậy ông cho rằng cần phải xóa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu. Song song đó, Bộ Tài chính tối thiểu cũng phải giảm thuế GTGT với xăng từ 10% xuống còn 8% như các loại hàng hóa khác đã được giảm từ đầu năm đến nay. Như vậy tối thiểu mỗi lít xăng sẽ giảm thêm được gần 3.400 đồng/lít. Cộng thêm với mức giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít từ ngày 1.8 thì xăng sẽ giảm được 4.400 đồng/lít.

Thu ngân sách từ xăng dầu tăng cao

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4.7, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết năm nay ước tính ngân sách tăng thu 9.100 tỉ đồng nhờ thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu. Nhưng việc tăng thu này thấp hơn khá nhiều so với mức giảm thu ngân sách do giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1.4 và dự kiến tiếp tục giảm của thuế này từ ngày 1.8 tới là hơn 32.500 tỉ đồng.

Giá xăng dầu tăng cao từ đầu năm đến nay

Khả Hòa

Thế nhưng, nguồn thu ngân sách từ hàng loạt sắc thuế liên quan đối với xăng dầu không chỉ có thuế nhập khẩu mà các loại thuế khác cũng đều tăng cao. Cụ thể, thời điểm 1 năm trước khi giá xăng bán lẻ dưới 20.000 đồng/lít thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ hơn 1.100 - 1.200 đồng/lít. Đến nay chỉ riêng số thuế này thì ngân sách đã thu cao hơn gấp đôi khi vẫn tính theo tỷ lệ 10% trên giá nhập khẩu. Số thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng trong 5 tháng đầu năm nay theo Bộ Tài chính khoảng 6.503 tỉ đồng và số thu thuế ước cả năm khoảng 16.117 tỉ đồng nếu tính theo giá dầu thế giới bình quân khoảng 110 USD/thùng. Trường hợp giá dầu thô bình quân 120 USD/thùng, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thu tăng thêm gần 900 tỉ đồng. Khi đó, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cả năm 2022 dự kiến khoảng 16.991 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, số thu thuế GTGT trong 5 tháng đầu năm khoảng 13.358 tỉ đồng, số thu cả năm ước đạt khoảng 33.155 tỉ đồng. Song song, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lũy kế 6 tháng đầu năm nay, thu ngân sách từ dầu thô đạt 34.200 tỉ đồng, tăng 80,8% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 21% so với dự toán.

Như vậy nếu giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay hoặc thậm chí còn tăng cao thì số thu ngân sách từ dầu thô sẽ tăng gần gấp đôi cả năm trước, tương đương mức tăng thêm đạt hơn 30.000 tỉ đồng. Đồng thời, số thu từ các loại thuế khác cũng có thể lên xấp xỉ con này.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt thì ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỉ đồng trong nửa cuối năm 2022. Thế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng các khoản hụt thu đó đều có thể bù đắp từ nguồn thu dầu thô, thuế nhập khẩu và cả thuế GTGT. Trong góp ý về dự thảo Nghị quyết thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu xuống sàn của Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dự thảo tờ trình đã thuyết minh tương đối chi tiết tác động ngân sách trong trường hợp thực hiện phương án giảm thuế bảo vệ môi trường như đề xuất. Tuy nhiên, việc giảm thuế này đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến các khoản thu theo thuế suất tương đối tăng mạnh (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT và thuế nhập khẩu). Do đó, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ không lớn như được trình bày trong dự thảo tờ trình. VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhấn mạnh: dầu thô cũng như các loại tài nguyên là sở hữu toàn dân. Ngân sách được hưởng lợi từ đó thì phải dùng để hạ nhiệt giá xăng dầu trong bối cảnh hàng loạt hàng hóa đều gia tăng, đó mới gọi là chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Chưa kể chính sách thuế bất hợp lý thì phải bãi bỏ. “Nếu chỉ giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường thì như muối bỏ biển. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng và vượt dự toán đề ra”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.

Giá dầu thế giới có thể lên 190 USD/thùng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.