Cho dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng ra nhận trách nhiệm, những vụ khủng bố xảy ra trong thời gian vừa qua ở Mỹ, Pháp, Bỉ và mới đây nhất là vụ việc ở Đức đều do một hoặc một vài cá nhân không ở trong tổ chức của IS trực tiếp thực hiện. IS đã lợi dụng những vụ việc này để khuếch trương thanh thế và tăng cường chiêu mộ chiến binh.
Đối với Mỹ và các nước ở châu Âu, những vụ việc này rung lên hồi chuông báo động khẩn cấp về mối lo ngại sâu sắc mới liên quan đến an ninh nội địa nói riêng và chống khủng bố nói chung.
Hoạt động khủng bố không còn là những chiến dịch lớn hay những cuộc tấn công quy mô được lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện từ bên ngoài. Kẻ khủng bố không còn là những kẻ từ bên ngoài nhập cảnh công khai hay bí mật vào những quốc gia ấy, mà là những người đã sinh ra và lớn lên hoặc ít nhất cũng đã sống nhiều năm ở chính các nước ấy, là công dân ăn lộc hưởng phúc từ sự phát triển của chính những nước ấy.
Những người này tỏ ra hoàn toàn bình thường cho tới khi trở thành kẻ khủng bố. Họ sống nhiều năm ở sở tại nhưng không hội nhập vào xã hội sở tại, không có giao thoa về văn hóa. Quá trình cực đoan hóa về tôn giáo và ý thức hệ của những người này diễn ra nhanh chứ không còn từ từ như trước và được khởi động một cách rất bất ngờ. Và đa phần họ đều rất trẻ.
Họ gây nên mối lo ngại lớn về nguy cơ khủng bố đối với chính phủ các nước này cũng chính vì thế. Đối phó và ngăn ngừa nguy cơ này rất khó khăn, thậm chí còn bất khả thi. Trước đây, các nước này đã sao nhãng nguy cơ ấy. Bây giờ, họ đang bế tắc đối sách.
Bình luận (0)