Mối lương duyên điện ảnh Pháp - Việt

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
04/07/2024 06:32 GMT+7

Hôm qua 3.7, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN (VDFA) tổ chức hội thảo "Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh VN".

BÀI HỌC VỀ CƠ CHẾ CHO PHIM NGHỆ THUẬT

Tại hội thảo ông Bastian Meiresonne, một chuyên gia điện ảnh của Pháp, có màn thuyết trình ấn tượng xung quanh chủ đề sản xuất phim nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa - kinh nghiệm của Pháp và những gợi ý cho điện ảnh VN.

Ông cho biết, điện ảnh Pháp có thuật ngữ "French cultural exception" (ngoại lệ văn hóa Pháp) dùng để chỉ những bộ phim không dùng trong mục đích thương mại mà chỉ dành cho nghệ thuật với mục tiêu lâu dài. Bởi điện ảnh ngoài kiếm tiền còn có những giá trị về văn hóa, nghệ thuật… Theo ông, VN nên dành hành lang cho phim nghệ thuật phát triển.

Tại Pháp, từ năm 1908, các chuyên gia đã thảo luận về phim nghệ thuật và lập danh sách phim để công chiếu nhằm chiếm tình cảm của người xem. Đến năm 1925, Pháp đã có một rạp chiếu phim chỉ dành cho phim nghệ thuật, tồn tại đến ngày nay. Năm 1946, Trung tâm quốc gia về nghệ thuật Pháp (CNC) ra đời, trở thành đơn vị hỗ trợ ngành điện ảnh nước này. Trong giai đoạn tiếp theo, Pháp đã nhập khẩu phim Mỹ và đánh thuế (được tính vào giá vé) để lấy nguồn hỗ trợ cho phim nghệ thuật phát triển.

Mối lương duyên điện ảnh Pháp - Việt- Ảnh 1.

Ông Bastian Meiresonne nói về kinh nghiệm phát triển phim nghệ thuật tại Pháp

HOÀNG SƠN

Đối với phim nghệ thuật, bên cạnh việc giảm thuế, nước Pháp còn dành chính sách ưu đãi như hỗ trợ nguồn kinh phí để làm phim. Tính riêng năm 2021, Pháp hỗ trợ 97 phim dài, phim hoạt hình, phim tài liệu… với kinh phí hơn 35 triệu euro từ 82 nguồn kinh phí khác nhau.

Ông Bastian Meiresonne cho hay Pháp có những quỹ phát triển điện ảnh trên toàn thế giới. VN có những dự án phim chất lượng tốt có thể được hỗ trợ để phát triển thành phim nghệ thuật. "Tại VN, với lợi thế hệ thống rạp chiếu phim có thể phát triển để chiếu phim nghệ thuật với đối tượng hẹp hơn, giá vé rẻ hơn và quảng bá gần gũi hơn…", ông nói.

Đại sứ Pháp tại VN Olivier Brochet khẳng định Pháp mong muốn trao đổi các chính sách văn hóa để làm sao cho phép nền công nghiệp sáng tạo phát triển, trong đó có điện ảnh VN. Đánh giá Pháp như là cửa ngõ để sản phẩm điện ảnh châu Á đến với châu Âu, ông Brochet cho hay thời gian tới VN có thể tin tưởng sự ủng hộ, đồng hành của Pháp cho sự phát triển điện ảnh VN với những đạo diễn trẻ tuổi tài năng. Pháp sẽ đồng hành với các nhà làm phim trẻ tuổi của VN tiếp cận thị trường nước Pháp và quốc tế.

"Điện ảnh là sự giao thoa, giao lưu văn hóa nên chúng tôi mong muốn các sản phẩm điện ảnh Pháp được công chúng VN biết nhiều hơn nữa… Chúng tôi hy vọng thời gian tới điện ảnh VN tiếp tục phát triển", Đại sứ Pháp Olivier Brochet nhấn mạnh.

TIẾP NỐI MỐI "LƯƠNG DUYÊN"

Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, chia sẻ: Pháp có nền điện ảnh lớn và có bề dày lịch sử trên thế giới. Đó là nền điện ảnh có sức sáng tạo, đột phá dồi dào, mãnh liệt, với vai trò sâu đậm, mạnh mẽ của khuynh hướng "điện ảnh tác giả", "điện ảnh nghệ thuật".

Mối lương duyên điện ảnh Pháp - Việt- Ảnh 2.

Một số đạo diễn VN chịu sự ảnh hưởng của điện ảnh Pháp: Síu Phạm, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp (từ trái sang)

HOÀNG SƠN

Theo ông Cường, trong lịch sử giao lưu văn hóa Pháp - Việt lâu dài, điện ảnh Pháp và điện ảnh VN luôn có những mối quan hệ chặt chẽ, nhiều ý nghĩa. Nhiều phim Pháp và công nghệ, văn hóa làm phim Pháp đã được thực hiện ở VN từ rất sớm. Nhiều đạo diễn VN hoặc đạo diễn người Pháp gốc Việt tham gia và được vinh danh tại các liên hoan phim lớn của Pháp nói riêng, châu Âu nói chung (như Trần Anh Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di...).

"Hội thảo là dịp trao đổi, học hỏi về những kinh nghiệm thành công của điện ảnh Pháp và rút ra những bài học kinh nghiệm cho điện ảnh VN vốn đang nỗ lực phát triển theo các chiều hướng đa dạng và có tính quốc tế hóa", ông Cường nói.

Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch VDFA, lịch sử điện ảnh Pháp - VN có những duyên nợ. Đầu những năm 1990, cùng lúc có 3 bộ phim lớn của Pháp được chiếu tại VN, gồm: Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình, đã khiến chủ đề về VN được thế giới biết đến nhiều hơn. Điện ảnh Pháp cũng góp phần mang lại sự nổi tiếng cho điện ảnh VN thông qua những bộ phim về đề tài VN. Tuy nhiên, gần đây chưa thấy các bộ phim lớn được các nhà làm phim Pháp quay tại VN. Do vậy, cần có những trao đổi về mối liên hệ, vấn đề hợp tác điện ảnh 2 nước, như một cách nối dài mối lương duyên trong điện ảnh Việt - Pháp.

Ở phần bàn tròn giao lưu, NSND Như Quỳnh kể lại câu chuyện khi tham gia đóng bộ phim Đông Dương (1992) và bày tỏ đã rất tự hào khi đóng góp chút gì đó cho điện ảnh VN, tâm lý VN trong phim do người Pháp làm. Bà cho rằng điện ảnh Pháp và VN đã có nhiều sự thấu hiểu và gần gũi từ rất sớm.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, người có 2 năm học tập tại Pháp, dành lời cảm ơn đến điện ảnh Pháp vì đã có ảnh hưởng rất sâu sắc đến ông. "Giải thưởng Thành tựu điện ảnh tại Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng lần 2 (DANAFF 2) mà tôi nhận được là có sự ảnh hưởng rất nhiều từ tư tưởng điện ảnh Pháp", ông Minh nói.

Đạo diễn Đặng Tất Bình chia sẻ ông học được sự chỉn chu, tỉ mỉ trong cách làm việc của các đoàn làm phim của Pháp và điện ảnh Pháp đã giúp ông "vỡ vạc ra rất nhiều điều" khi ông có 3 tháng thực tập ở nước này.

Ông Jeremy Segay, Tùy viên nghe nhìn Đại sứ quán Pháp, cho hay Đại sứ quán Pháp đã có những cuộc nói chuyện với các hiệp hội điện ảnh ở Pháp để hỗ trợ những bộ phim hợp tác Pháp - VN và đã được chiếu tại Paris.

"Trong tương lai, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhiều hơn phim Việt tại Pháp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. VN giờ có nền điện ảnh năng động. Pháp sẽ hỗ trợ các đạo diễn trẻ VN cũng như nền sản xuất phim của VN ra thế giới. Điều khá quan trọng là 2 nước cần có những hợp tác, ký kết hỗ trợ về văn hóa cũng như điện ảnh", ông Jeremy Segay nói.

Điện ảnh là sự giao thoa, giao lưu văn hóa nên chúng tôi mong muốn các sản phẩm điện ảnh Pháp được công chúng VN biết nhiều hơn nữa… Chúng tôi hy vọng thời gian tới điện ảnh VN tiếp tục phát triển.

Đại sứ Pháp tại VN Olivier Brochet


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.