Sáng 17.9, chúng tôi tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Tuy tại thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Đã 4 ngày nay, chị Hoàng Thị Xuyên (vợ anh Tuy) không ngủ, ngày đêm thức trắng mong ngóng tin chồng. Chị cũng không thể trò chuyện với ai vì
lo lắng không thốt nên lời.
Ngày 9.9, chiếc tàu vỏ thép, đóng theo Nghị định 67, của anh Tuy xuất bến từ cảng Quy Nhơn (Bình Định) cùng với đoàn đánh bắt cá của mình. Ngoài anh Tuy là chủ tàu vừa là thuyền trường, còn có 9 ngư dân khác trên tàu, gồm: Anh Nguyễn Văn Duy (em trai anh Tuy), Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Duyên, Nguyễn Văn Hiếu (anh con bác của anh Tuy), Phạm Văn Đại, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Văn Đông, Đoàn Văn Toàn, đều ngụ tại các xã Minh Lộc và Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) và anh Phạm Văn Đồng (ngụ tại tỉnh Bình Thuận).
Chị Nguyễn Thị Gấm đứng ngồi không yên mong chờ tin anh và em trai mình Ảnh Minh Hải
|
Người thân của anh Tuy cho biết, ngày 9.9, trước khi rời cảng đi đánh bắt hải sản, anh Tuy có gọi về cho gia đình. Ít ngày sau đó, khi cơn bão số 10 tiến gần vùng biển Việt Nam, tất cả tàu thuyền đều tìm nơi tránh trú an toàn nhưng người thân vẫn không nhận được liên lạc, không rõ tàu của anh Tuy đã trú ẩn ở vùng biển của tỉnh nào. Mãi đến 15 giờ 30 phút ngày 14.9 mới hay tin anh Tuy có liên lạc với đài duyên hải tỉnh Phú Yên. Nhưng đó là cũng thông tin cuối cùng gia đình nhận được, cho đến trưa 17.9, bão số 10 đã tan, vẫn không hay tin con tàu cùng 10 ngư dân ở đâu.
Từng giờ, ở nơi cửa biển Ngư Lộc, hàng chục người mẹ, người vợ, người con của các ngư dân đang thấp thỏm
mong ngóng người thân mình trở về.
Chị Nguyễn Thị Gấm (em gái anh Tuy, cùng ngụ thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc) mấy ngày qua khắc khoải đợi tin anh và em trai mình. Nước mắt ngắn dài, chị Gấm nói: “Mỗi giờ trôi qua gia đình chúng tôi lại thêm lo lắng. Trước bão anh ấy (anh Tuy) có gọi về cho gia đình, nhưng cũng từ đó đến nay không có tin tức gì".
Cũng theo chị Gấm, bình thường một chuyến đi kéo dài cả tháng trời, nhưng cứ 7 đến 10 ngày, khi tàu tìm vào đảo, cảng hoặc đất liền tỉnh gần nhất để bán hải sản, mua thực phẩm,… các thuyền viên sẽ gọi điện về cho gia đình. Nếu tính ra đánh bắt trên biển từ ngày 9.9 đến nay đã 17.9, thì tàu đã phải vào bờ bán hải sản.
Hàng xóm đến động viên mẹ con chị Xuyên Ảnh Minh Hải
|
Cũng giống chị Xuyên, đã 4 ngày nay, bà Hoàng Thị Xuân ở thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc chưa giây phút nào chợp mắt vì trông ngóng người con trai Nguyễn Mạnh Tuấn (là thuyền viên trên tàu TH-9366-TS) đang mất tích cùng các ngư dân. Thấy chúng tôi hỏi chuyện, bà Xuân nấc từng cơn: “Trời, phật ơi phù hộ cho các cháu nó. Nếu có chuyện gì xảy ra thì tôi biết làm sao!”.
Bà Xuân kể con trai từ nhỏ đến giờ chỉ biết nghề đi biển. Ít năm trước vay mượn anh em họ hàng, vay ngân hàng để sắm tàu nhưng được vài năm, do làm ăn thua lỗ nên đành bán trả nợ, giờ đi làm thuê. "Ở nhà, vợ nó không có việc làm ổn định, 4 đứa con còn nhỏ, nếu có chuyện chẳng lành với nó thì không biết chúng tôi sẽ sống sao đây!", bà Xuân nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết theo kinh nghiệm đi biển của ngư dân, việc tàu nhà anh Tuy mất liên lạc trước cơn bão, đến khi bão tan vẫn chưa có liên lạc trở lại là điều bất thường. Vì vậy, ngày 16.9, UBND xã đã báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng, đồng thời liên hệ với lực lượng biên phòng các tỉnh để phối hợp tìm kiếm.
“Sáng nay, 3 tàu cá cùng đoàn đánh bắt với tàu anh Tuy đang trên đường vào vùng biển Đà Nẵng, Phú Yên để tìm kiếm tung tích của tàu anh Tuy. Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng thông tin rộng rãi đến các tàu cá gần khu vực và lực lượng tìm kiếm để tìm tàu”, ông Ngữ nói.
Cũng trong ngày hôm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã có văn bản gửi các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ tìm kiếm tàu cùng 10 ngư dân đang mất liên lạc.
Bình luận (0)